Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp: Nỗi lo trước làn sóng thứ ba

15:17 - Thứ Ba, 27/10/2020 Lượt xem: 4343 In bài viết

Tốc độ lây lan của vi rút SARS-CoV-2 đang gia tăng ở mức báo động khi nhiều khu vực trên thế giới bước vào mùa đông. Lo ngại đây có thể là khởi đầu của làn sóng dịch thứ ba như các chuyên gia đã cảnh báo trước đó, nhiều quốc gia đã áp đặt trở lại lệnh phong tỏa để bảo vệ sức khỏe người dân, dù biện pháp này sẽ một lần nữa khiến nền kinh tế bị ngưng trệ.

Số ca mắc Covid-19 tại Pháp tăng kỷ lục trong tuần qua.

Trong tuần qua, Pháp, Đức, Czech, Ba Lan đều ghi nhận số ca mắc mới trong ngày tăng cao chưa từng có. Trong đó, Pháp có ngày ghi nhận tới hơn 45.000 bệnh nhân mới. Tại Mỹ, sau một thời gian tạm ổn định, số ca mắc và nhập viện đã tăng mạnh trở lại. Trong 3 ngày cuối tuần, số ca nhiễm mới vi rút SARS-CoV-2 tại nước này liên tục phá kỷ lục. Riêng ngày 25-10, có thêm 88.973 người được thông báo nhiễm Covid-19. Châu Á cũng đã trở thành khu vực thứ hai trên thế giới có hơn 10 triệu ca bệnh, chỉ sau Mỹ Latinh.

Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, số ca mắc Covid-19 đang tăng vượt các mức từng ghi nhận trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Trong những ngày tới, biểu đồ dịch sẽ tiếp tục xu hướng đi lên, đặc biệt tại châu Âu với "nguy cơ kép" từ dịch cúm mùa và Covid-19.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu lo ngại, mức độ tử vong do Covid-19 ở cựu lục địa có thể cao gấp 4-5 lần so với thời điểm tháng 4-2020 nếu như từ nay đến tháng 1-2021 không có các biện pháp ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, có rất nhiều nước đang chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng theo cấp số nhân, khiến các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe hoạt động quá tải.

Đối mặt với làn sóng dịch mới, một số nước buộc phải yêu cầu người dân ở nhà cũng như áp đặt lệnh giãn cách xã hội mới nhằm tận dụng thời gian để xây dựng kế hoạch ứng phó, đào tạo nhân viên y tế, bổ sung các trang thiết bị, tăng năng lực xét nghiệm, cải thiện chất lượng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, những biện pháp phong tỏa đang tiếp tục tạo áp lực cho nền kinh tế, vốn đang chịu nhiều tổn thương do hậu quả của dịch Covid-19.

Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu sẽ giảm 4,4% trong năm 2020. Định chế tài chính này cũng nhận định, nếu cuộc chiến chống dịch Covid-19 tiếp tục khó khăn hơn dự kiến, các chính phủ buộc phải tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thì hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục bị kìm hãm, trong đó các nền kinh tế mới nổi chịu tác động mạnh gấp đôi so với các quốc gia phát triển. Khi những nỗ lực tìm kiếm vắc xin phòng bệnh và phương pháp điều trị Covid-19 không có đột phá, việc tiếp tục hạn chế tiếp xúc là bắt buộc, kéo theo sự lao dốc của các hoạt động kinh tế.

Dù dịch Covid-19 gây sức ép lớn đối với nhiều chính phủ và cộng đồng, cũng như đe dọa đẩy nhiều người rơi vào cảnh cùng cực, song những gì diễn ra trong thời gian vừa qua cho thấy, đứng trước một trận chiến sống còn, thế giới không thể vội vàng. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng, tất cả các quốc gia nên chuẩn bị phương án cho một “chặng lội ngược dòng dài hơi” nhằm tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Giải pháp chính là tiếp cận toàn diện, sử dụng mọi công cụ sẵn có. Đồng thời, các nước cần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng vượt qua chặng đường đầy chông gai này.

Trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo thế giới sẽ chứng kiến ca mắc thứ 45 triệu, thậm chí là 50 triệu trong thời gian còn lại của năm 2020, việc tìm cách chung sống an toàn với vi rút SARS-CoV-2 bằng tinh thần cảnh giác và trách nhiệm của các chính phủ cùng mỗi người dân được coi là giải pháp tối ưu.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top