Dịch Covid-19: Italia vượt mốc 1 triệu ca mắc, Mỹ thêm 1 triệu ca mới sau 10 ngày

10:23 - Thứ Năm, 12/11/2020 Lượt xem: 5344 In bài viết

Đến 6h ngày 12-11 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 52.370.770 ca mắc Covid-19, trong đó đã có 1.288.136 ca tử vong, 36.642.477 người bình phục.

Mỹ có thêm 1 triệu ca mắc Covid-19 chỉ trong vòng 10 ngày vừa qua.

Châu Âu

Nhằm thúc đẩy sự hiệu quả trong công tác chống dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác trong tương lai tại Liên minh châu Âu (EU), Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất kế hoạch cải cách các quy định về y tế cộng đồng, theo đó cho phép EU ban bố tình trạng khẩn cấp và thực hiện các bài đánh giá sức chống chịu của các nước trước các đại dịch. Ngoài ra, EU cũng công bố những bước đi nhằm xây dựng một cơ quan mới theo mô hình Cơ quan Nghiên cứu và phát triển y sinh Mỹ (BARDA).

Đức ghi nhận 20.537 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 726.176 trường hợp. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhận định, tình hình dịch bệnh tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang có dấu hiệu cải thiện.

Thụy Sĩ ghi nhận 8.270 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 243.472 ca, trong khi số ca tử vong cũng tăng 86 ca, lên 2.769 ca.

Cộng hòa Séc sẽ mở cửa trở lại các trường tiểu học để đón học sinh lớp 1 và 2 vào tuần tới, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 có xu hướng đi xuống. Nước này hiện có 434.278 ca nhiễm, trong đó 5.517 trường hợp đã tử vong.

Tại Cộng hòa Cyprus, Bộ trưởng Y tế Constantinos Ioannou cho biết, nước này bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa, dự kiến kéo dài hết tháng 11, đồng thời tiến hành giới nghiêm từ 20h hôm trước tới 5h hôm sau nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Tại Hy Lạp, chỉ 4 ngày sau khi bắt đầu phong tỏa, chính quyền nước này đã quyết định bổ sung lệnh giới nghiêm đêm (từ 20h hôm trước tới 5h hôm sau).

Thụy Điển có kế hoạch cấm bán đồ uống có cồn tại các quán bar, nhà hàng và hộp đêm sau 22h, trong nỗ lực làm giảm số ca mắc Covid-19 mới tại nước này.

Tây Ban Nha sẽ buộc du khách nhập cảnh đến từ các nước có nguy cơ lây nhiễm cao phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện trong 72 giờ trước đó.

Số ca nhiễm Covid-19 tại Italia chính thức vượt mốc 1 triệu trường hợp.

Châu Á

Ấn Độ vẫn đứng thứ hai thế giới và đứng đầu châu Á về số ca mắc, với 8.684.039 ca, trong đó có 128.164 trường hợp đã tử vong.

Tại Đông Nam Á, các nước Indonesia, Philippines và Malaysia tiếp tục là "điểm nóng" dịch Covid-19. Trong đó, Indonesia ghi nhận 3.770 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 448.118 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 75 ca, lên 14.836 ca. Philippines ghi nhận thêm 1.672 ca nhiễm và 49 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và không qua khỏi tại nước này lên lần lượt là 401.416  ca và 7.710 ca. Malaysia cũng ghi nhận thêm 822 ca nhiễm, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 42.872 trường hợp. Số ca tử vong tại nước này hiện là 302 ca, tăng 2 ca.

Campuchia tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi có kế hoạch phân phát 2 triệu khẩu trang cho người dân thủ đô Phnom Penh. Những cá nhân nào vi phạm quy định về cách ly phòng dịch sẽ bị phạt từ 200.000 riel (tương đương 50 USD) đến 1 triệu riel và bị xử lý theo Luật Hình sự. Campuchia phát hiện 301 ca mắc Covid-19, trong đó 288 ca đã bình phục và không có trường hợp nào tử vong.

Cùng ngày, Singapore thông báo, một dịch vụ du lịch hàng không mang tên Air Travel Bubble, giữa Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh sẽ được khởi động từ ngày 22-11. Đây sẽ là lần đầu tiên một hành khách đi máy bay được phép di chuyển giữa hai trung tâm khu vực này không vì mục đích kinh doanh. Chương trình sẽ ngừng lại nếu số ca nhiễm ở hai nơi tăng trở lại.

Tại Nhật Bản, Tokyo ghi nhận thêm 317 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, lần đầu tiên vượt ngưỡng 300 ca/ngày kể từ ngày 20-8. Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại nước này hiện tương ứng là 110.156 ca và 1.841 ca. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chỉ đạo nhóm đặc trách ứng phó đại dịch Covid-19 của chính phủ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 khi mùa đông đến gần.

Australia tuyên bố, nước này sẽ có vắc xin phòng Covid-19 vào tháng 3-2021, gồm 10 triệu liều do hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) sản xuất. Đây cũng là hai hãng sẽ cung cấp 300 triệu liều vắc xin cho EU. Loại vắc xin này đã cho kết quả đột phá với hiệu quả lên tới 90% trong giai đoạn thử nghiệm lần thứ ba - giai đoạn thử nghiệm cuối - trên cơ thể người.

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới từ Covid-19, với 247.169 ca tử vong trong tổng số 10.681.873 ca nhiễm - chiếm 1/5 tổng số ca nhiễm trên toàn cầu. Nước này cũng ghi nhận thêm 1 triệu ca nhiễm mới chỉ trong vòng 10 ngày qua. Ngoài ra, Texas đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ có số ca nhiễm vượt mốc 1 triệu người.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng khiến nhiều bang như California, Minnesota và Iowa tiếp tục phải siết các biện pháp hạn chế phòng dịch, trong bối cảnh các chuyên gia về y tế hàng đầu nước này liên tục khuyến cáo người dân duy trì cảnh giác cho đến khi có vắc xin.

Brazil tiếp tục đứng thứ 3 thế giới và đứng đầu khu vực Nam Mỹ về số lượng ca mắc Covid-19, với 5.747.660 ca nhiễm (46.377 ca nhiễm mới), trong đó có 163.368 trường hợp đã tử vong.

Châu Phi

Mặc dù có số ca nhiễm cao nhất tại châu lục, Nam Phi vẫn sẽ nối lại hoạt động đi lại với tất cả các nước trên thế giới, đồng thời cho phép bán đồ uống có cồn như bình thường nhằm cứu vãn ngành du lịch và khách sạn.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top