Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya thống nhất tổ chức tổng tuyển cử: Bước đột phá tích cực

10:30 - Thứ Hai, 16/11/2020 Lượt xem: 4539 In bài viết

Sau gần 10 năm chìm trong nội chiến, Libya đang tiến sát ngưỡng cửa hòa bình khi các phe phái chính trị ở nước này đã đạt được thống nhất về thời điểm tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12-2021. Đây được cho là bước đột phá tích cực trong ngày thứ 4 của Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya, nhóm họp ở ngoại ô thủ đô Tunis (Tunisia) dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya đã đạt được bước ngoặt đột phá.

Diễn đàn quy tụ 75 đại biểu Libya do Liên hợp quốc lựa chọn, đại diện cho các lợi ích vùng miền, quan điểm chính trị và các nhóm xã hội. Trong thông điệp bằng băng ghi hình gửi tới các đại biểu tại lễ khai mạc diễn đàn, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, Libya có cơ hội để chấm dứt xung đột và đây là thời điểm để các đại biểu định hình tương lai đất nước. Ông A.Guterres kêu gọi các bên đối địch tại Libya cùng phối hợp xây dựng hòa bình với mục tiêu hoạch định lộ trình hướng tới cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội tại Libya. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ đối thoại tại Libya.

Trước đó, cuộc đàm phán giữa các bên ở Libya tập trung vào nội dung thành lập một chính phủ đoàn kết chuyển tiếp mới, để giám sát các cuộc bầu cử sắp tới. Dự kiến, một ủy ban quân sự chung sẽ được thành lập tại thành phố Sirte để triển khai chi tiết lệnh ngừng bắn, đồng thời xem xét thông qua các đề xuất để hai phe đối địch là Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) rút quân khỏi tiền tuyến.

Đánh giá về bước tiến tích cực trong cuộc đàm phán hòa bình tại Libya, nhiều ý kiến cho rằng, đây là kết quả của quá trình vun đắp niềm tin, trong đó đáng chú ý là nỗ lực xây dựng các điều khoản cho một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn. Tại cuộc gặp song phương ở thị trấn ven biển Bouznika (Morocco) vào tháng 10-2020, hai lực lượng trên cũng đã tìm được tiếng nói chung về tiêu chí, cơ chế và mục tiêu dành cho các vị trí quyền lực chủ chốt. Mặc dù hiện hai bên vẫn đang trong quá trình thương thảo, song đều thống nhất nhận định, việc sử dụng bạo lực và phong tỏa các nguồn tài nguyên thiên nhiên không dẫn đến kết quả tích cực. Chỉ có giải pháp chính trị mới là chìa khóa kết thúc xung đột kéo dài gần 1 thập kỷ qua.

Thực tế cho thấy, sự đối đầu giữa các lực lượng ở Libya, cộng thêm sự can thiệp của các quốc gia bên ngoài đối với các phe nhóm đối lập càng khiến tình hình Libya thêm phức tạp. Trong khi đó, khoảng trống chính trị và an ninh ở quốc gia Bắc Phi đã tạo “mảnh đất màu mỡ” cho các nhóm khủng bố phát triển. Nhiều đối tượng bị truy nã đã lợi dụng tình hình chiến sự để xâm nhập vào Libya. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng tuyển mộ các tay súng và thiết lập những lò đào tạo khủng bố ở Libya để “xuất khẩu” sang các nước trong khu vực.

Ngoài ra, xung đột ở Libya gia tăng khiến dư luận thế giới quan ngại về tình trạng dòng vũ khí bất hợp pháp đang chảy vào quốc gia Bắc Phi, bất chấp lệnh cấm vận của Liên hợp quốc. Xung đột cũng nhiều lần làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, lĩnh vực đóng vai trò “xương sống” của nền kinh tế quốc gia Bắc Phi này. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) cho biết, việc ngừng xuất khẩu dầu, hậu quả trực tiếp của việc đóng cửa các mỏ và cảng dầu, đã khiến nước này thiệt hại khoảng 3,6 tỷ USD từ đầu năm 2020 đến nay.

Giới phân tích cho rằng, giải pháp cho cuộc khủng hoảng Libya phải do chính người dân nước này quyết định, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Với những gì đạt được trong cuộc đàm phán, niềm tin vào một giải pháp chính trị cho vấn đề Libya đã được thắp lên. Người dân Libya đã có cơ sở để hy vọng về một tương lai không còn chiến tranh và bất ổn.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top