An ninh mạng - Tấm khiên bảo vệ trong tương lai

15:06 - Thứ Năm, 19/11/2020 Lượt xem: 5534 In bài viết

Bên cạnh những lợi ích to lớn không thể phủ nhận, cách mạng số, không gian mạng kết nối toàn cầu với đặc tính không biên giới cũng đặt ra thách thức rất lớn đối với an ninh và kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Ngày 18-11, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) thông báo khối này sẽ lập ra một kế hoạch hành động chung về an ninh mạng để chống lại các nguy cơ trên mạng.

Miền tác chiến

An ninh mạng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nước và các tổ chức quốc tế trong những năm gần đây khi không còn là vấn đề của riêng một quốc gia, mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Hiện cuộc diễn tập phòng thủ mạng lớn nhất kéo dài 1 tuần của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang diễn ra.

Cuộc diễn tập lần này nhằm huấn luyện việc bảo vệ hệ thống mạng của từng quốc gia và NATO, đồng thời kiểm tra các quy trình và thủ tục ra quyết định. Người phát ngôn NATO Oana Lungescu cho biết: “Các mối đe dọa mạng ngày càng phức tạp. Do đó, NATO cam kết bảo vệ tất cả các đồng minh trong không gian mạng, cũng như trên bộ, trên không và trên biển. Một cuộc tấn công mạng vào một đồng minh có thể ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Đó là lý do tại sao tăng cường phòng thủ mạng là ưu tiên của liên minh”. Liên minh này cũng đã thành lập Trung tâm Điều hành Không gian mạng để tăng cường khả năng ứng phó.

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến BRICS lần thứ 12, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev cho biết, đại diện an ninh cấp cao của BRICS thừa nhận các mối đe dọa phát sinh từ việc sử dụng công nghệ thông tin (IT) “tuyên truyền khủng bố và thực hiện các âm mưu cách mạng màu” và nhất trí theo đuổi việc đưa ra các công cụ pháp lý thích hợp.

Không gian mạng đã trở thành một vùng đất mới.

Trước các chiến dịch tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu của các quốc gia, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức công nhận không gian mạng là một lãnh thổ mới, có tầm quan trọng ngang với các lãnh thổ khác trong chiến tranh, như trên đất liền, trên biển, trên không và trong không gian. Trong chiến lược mới vừa công bố, Chính phủ Australia dự tính chi 15 tỷ AUD nhằm tăng cường năng lực chiến tranh thông tin và chiến tranh mạng trong vòng 10 năm tới; 1,3 tỷ AUD dành cho thúc đẩy các hoạt động an ninh mạng của các cơ quan tình báo an ninh, bao gồm một mạng lưới các vệ tinh cho một mạng thông tin độc lập.

Mối quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp

Trước những tác động của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế thế giới, an ninh mạng cũng nổi lên như vấn đề cấp bách nhất đối với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang đẩy nhanh áp dụng các chương trình kỹ thuật số và chuyển đổi dần mô hình kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động, tuy nhiên lại lo lắng phải đối mặt với “thời đại mới đầy rẫy nguy cơ”, một phần do tội phạm mạng đang nở rộ khắp nơi.

Hơn một nửa các doanh nghiệp được khảo sát (55%) tuyên bố sẽ tăng cường ngân sách an ninh mạng vào năm 2021. Phát biểu tại hội thảo về Tương lai của ngành bảo hiểm Mỹ ngày 16-11, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn và môi giới bảo hiểm Marsh & McLennan Dan Glaser cho rằng, đối với hầu hết các công ty đa quốc gia lớn, an ninh mạng có thể không phải là mối quan tâm lớn nhất của họ trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, song chắc chắn giờ đây vấn đề này đang được ưu tiên hàng đầu. Rủi ro mạng cũng là vấn đề mà các công ty khó giải quyết dứt điểm, bởi đó là một hiện tượng sẽ luôn tiếp diễn.

An ninh mạng đang trở thành một trong các thách thức, mối nguy hiểm lớn nhất về kinh tế và an ninh quốc gia đối với các nước, vì “độ sát thương” của các cuộc tấn công thông tin có thể cao hơn bất kỳ loại vũ khí nào.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top