Nhật Bản - Australia: Hướng đến tầm nhìn chiến lược chung

15:24 - Thứ Sáu, 20/11/2020 Lượt xem: 5500 In bài viết

Thủ tướng Australia Scott Morrison vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản 2 ngày theo lời mời của người đồng cấp Suga Yoshihide. Hai bên đã đạt được tầm nhìn chung về chiến lược hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là an ninh. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài tới Nhật Bản kể từ khi Thủ tướng S.Yoshihide lên nắm quyền vào ngày 16-9-2020.

Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng.

Nhật Bản và Australia có mối quan hệ truyền thống gần gũi lâu đời. Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, đồng thời là đối tác cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba đối với Australia. Bên cạnh quan hệ chặt chẽ về kinh tế, hai nước còn có nhiều điểm chung về lợi ích và cách tiếp cận đối với nhiều vấn đề quốc tế. Vì thế, kết quả đạt được trong các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng S.Morrison với Thủ tướng S.Yoshihide trải rộng từ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và khả năng nối lại các hoạt động đi lại giữa hai nước vốn bị hạn chế do ảnh hưởng của đại dịch, thúc đẩy hợp tác phục hồi kinh tế đến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đặc biệt về vấn đề an ninh, hai nhà lãnh đạo đã đạt được nhất trí cơ bản việc ký kết Thỏa thuận Tiếp cận qua lại (RAA) để thiết lập khuôn khổ pháp lý cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Australia đến thăm lẫn nhau, tiến hành các hoạt động quân sự chung như huấn luyện hay tập trận. Như vậy, lần đầu tiên kể từ hơn 60 năm nay, Nhật Bản mới cho phép có thêm quân đội nước ngoài, sau lực lượng Mỹ được hiện diện trên lãnh thổ của mình. Để chuẩn bị cho thỏa thuận khung về RAA, hai bên đã mất gần 6 năm để thương lượng, dù trước đây, Nhật Bản và Australia đã ký kết thỏa thuận chia sẻ nguồn cung thiết bị quân sự năm 2013 và mở rộng thỏa thuận vào năm 2017 để cung cấp đạn dược.

Nhiều nhà bình luận cho rằng, RAA sẽ là khuôn mẫu cho những thỏa thuận mà Australia hiện đang đàm phán và sẽ ký kết với nhiều đối tác bên ngoài khác. Đây cũng là một phần của chương trình “Bước tiến Thái Bình Dương” mà Australia đang thúc đẩy trong bối cảnh các thách thức kinh tế và an ninh ngày càng tăng. “Bước tiến Thái Bình Dương” lần đầu tiên được công bố vào năm 2016 và Canberra đưa vào Sách Trắng về chính sách đối ngoại năm 2017.

Đến năm 2018, Thủ tướng S.Morrison cam kết sẽ đưa “Bước tiến Thái Bình Dương” lên một tầm cao mới bằng cách tăng cường quan hệ với những quốc gia có cùng chí hướng trong khu vực. Để khẳng định quyết tâm này, nhà lãnh đạo Australia đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới các nước châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản là điểm đến không thể thiếu.

Ở chiều ngược lại, tăng cường hợp tác về quốc phòng với Australia sẽ là một bước đi giúp bảo vệ lợi ích của Nhật Bản tại Đông Bắc Á - khu vực đang có xu hướng ngày càng "nóng" lên bởi những cạnh tranh chiến lược. Trong Sách Trắng quốc phòng năm 2020, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã nhận định các cường quốc quân sự đang tập trung ở những khu vực quanh nước này với xu hướng rõ ràng như tăng cường sức mạnh quân sự và gia tăng các hoạt động quân sự.

Trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng phức tạp như vậy, Tokyo nhấn mạnh các mục tiêu của chính sách quốc phòng là tạo ra môi trường an ninh mà nước này mong muốn bằng cách hợp nhất và xây dựng các sức mạnh có thể sử dụng bất cứ khi nào cần, ngăn chặn và chống trả các mối đe dọa đối với Nhật Bản. Đây được cho là một lý do khiến Tokyo cho phép quân đội Australia hiện diện trên lãnh thổ của mình.

Việc tăng cường hợp tác theo chiều hướng đôi bên cùng có lợi, những thỏa thuận thắt chặt quan hệ Nhật Bản - Australia, đặc biệt sau chuyến thăm của Thủ tướng S.Morrison cho thấy, hai quốc gia này đang cùng nhau hướng đến một tầm nhìn chiến lược chung mới trong cuộc đua gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top