Nguy cơ đổ vỡ niềm tin từ việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

09:55 - Thứ Tư, 25/11/2020 Lượt xem: 5805 In bài viết

Tiếp tục nối dài danh sách các thỏa thuận quốc tế mà xứ Cờ hoa rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thông báo nước này đã không còn là một bên tham gia Hiệp ước Bầu trời mở (OST). Động thái này của Washington gây ra lo ngại nguy cơ đe dọa tới thỏa thuận được coi là một yếu tố then chốt trong khuôn khổ xây dựng lòng tin và bảo đảm an ninh tốt hơn ở Bắc bán cầu.

Nhiều chuyến bay trinh sát đã được thực hiện trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết năm 1992 (sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc) và có hiệu lực năm 2002, cho phép các thành viên gồm Mỹ, Nga và hầu hết các quốc gia châu Âu triển khai trinh sát cơ không vũ trang, bay theo lộ trình được thống nhất trên lãnh thổ của nhau. Các thành viên cũng được phép tiếp cận dữ liệu ghi lại từ vệ tinh và các thiết bị hiện đại khác, nhằm mục đích thúc đẩy tính minh bạch của các hoạt động quân sự trên không và xác minh việc tuân thủ các hiệp ước khác. Trên cơ sở tạo dựng lòng tin, tính đến cuối năm 2019, đã có hơn 1.500 chuyến bay được thực hiện theo tinh thần của hiệp ước quan trọng này.

Tuy nhiên, cả Washington và Mátxcơva nhiều lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, Nga đã liên tục ngăn cản các chuyến bay của Mỹ dọc khu vực biên giới nước này, đồng thời lợi dụng những chuyến bay tại các nước phương Tây để xác định cơ sở hạ tầng trọng yếu. Do đó, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này đã thực thi quyền của mình theo Khoản 2 Điều 15 của OST bằng cách thông báo trước 6 tháng cho các nước thành viên về quyết định rút khỏi hiệp ước, kể từ tháng 5 năm nay.

Các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số nước Đông Âu liên tục hối thúc xứ Cờ hoa duy trì OST bởi đây được coi là một trong những trụ cột bảo đảm an ninh ở Lục địa già, đồng thời lo ngại Nga sẽ rút khỏi thỏa thuận để đáp trả.

Bên cạnh đó, động thái mới nhất của Mỹ cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng tạo bước đệm cho việc rời khỏi hiệp ước vũ khí lớn còn lại với Nga là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021.

Trước OST, ông chủ Nhà Trắng D.Trump cũng đã rút Mỹ khỏi những thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng khác như thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), hay Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), và đều cáo buộc bên còn lại vi phạm.

Hôm 22-11 vừa qua, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tái khẳng định lập trường của nước này đối với OST là không thay đổi và Berlin sẽ tiếp tục thực thi hiệp ước. Để trấn an đồng minh, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, quân đội nước này vẫn sẽ chia sẻ một số dữ liệu từ các vệ tinh với các đồng minh châu Âu nhằm bù đắp những tổn thất về thông tin quan trọng do việc ngừng các chuyến bay trong khuôn khổ “bầu trời mở”.

Sau tuyên bố của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định nước này sẽ tìm kiếm những bảo đảm chắc chắn từ các quốc gia vẫn tham gia hiệp ước. Trong đó, Mátxcơva sẽ theo dõi tuyên bố và hành động của các bên trong việc thực thi các nghĩa vụ đã cam kết, song song với việc đánh giá lợi ích an ninh của nước này để đưa ra những quyết định tương xứng. Giới chức Nga cũng bày tỏ lo ngại Mỹ, dù đã đơn phương rút khỏi OST, vẫn tìm cách tiếp cận nguồn tin tình báo có được từ hiệp ước này thông qua các nước đồng minh NATO.

Đến nay, Nga và các thành viên OST vẫn để ngỏ khả năng Mỹ quay trở lại thỏa thuận. Tuy nhiên, nguy cơ đổ vỡ một trong những biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng tại châu Âu đã tồn tại gần 3 thập kỷ qua có thể kéo theo những rạn nứt mới khó lường trong quan hệ vốn đã nhiều thăng trầm giữa Nga và phương Tây.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top