Nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU của Bồ Đào Nha: Chặng đường đầy thách thức

15:47 - Thứ Sáu, 08/01/2021 Lượt xem: 3782 In bài viết

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vào ngày 6-1 tại thủ đô Lisbon, đánh dấu sự khởi đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) của Bồ Đào Nha. Đảm nhận vai trò “thuyền trưởng” trong bối cảnh Cựu lục địa đang chao đảo vì đại dịch Covid-19, những gì Bồ Đào Nha phải đối mặt trong 6 tháng tới sẽ là chặng đường đầy thách thức.

Việc nhiều quốc gia phải tiếp tục triển khai lệnh phong tỏa để kiểm soát đại dịch Covid-19 sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới các kế hoạch phục hồi kinh tế châu Âu.

Bồ Đào Nha xác định nhiệm vụ tối quan trọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU là phải tăng cường khả năng phục hồi của châu Âu và niềm tin của người dân vào mô hình xã hội châu Âu. Để thực hiện mục tiêu này, Bồ Đào Nha đặt ra 3 nhóm ưu tiên chính bao gồm: Thúc đẩy sự phục hồi của châu Âu; phát triển trụ cột xã hội của EU để thiết lập một nền tảng vững chắc, qua đó giúp mọi người có thêm lòng tin khi đối mặt với những thách thức; tăng cường quyền tự chủ chiến lược của một châu Âu cởi mở với thế giới, một châu Âu hiện diện nhiều hơn trong các chuỗi giá trị khác nhau.

Mặc dù những mục tiêu Bồ Đào Nha đặt ra nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên EU nhưng trên thực tế, nếu đà lây lan của đại dịch Covid-19 không nhanh chóng bị ngăn chặn, lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội sẽ là rào cản đối với bất kỳ kế hoạch hồi phục nào. Hiện tại, nhiều nước châu Âu đang thúc đẩy chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Song, theo đánh giá của nhiều chuyên gia y tế, việc tiêm phòng cho hầu hết người dân EU có thể phải kéo dài đến hết năm nay. Trong khi đó, những ngày gần đây, số lượng người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại châu Âu liên tục tăng với tốc độ đáng lo ngại, khiến hệ thống y tế ở nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ quá tải.

Theo các số liệu thống kê, đà suy giảm kinh tế của EU nói chung và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói riêng đang tỷ lệ thuận với tốc độ lây lan của làn sóng Covid-19 thứ hai ở châu lục này. Tỷ lệ thất nghiệp tại 19 quốc gia thuộc Eurozone đã tăng lên 8,4% trong tháng 10-2020 và sẽ tăng mạnh hơn nữa trong những tháng tới khi nhiều nước phải tái áp đặt các lệnh hạn chế đi lại. Tại Đức, nền kinh tế số một châu Âu, Ngân hàng trung ương (Bundesbank) vừa cảnh báo các ngân hàng nước này cần chuẩn bị cho trường hợp số công ty vỡ nợ gia tăng. Còn tại Bồ Đào Nha, chính phủ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm ở mức 8,5% trong năm 2020 do dịch bệnh. Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, Tây Ban Nha là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 12,8%. 

Bên cạnh những thiệt hại về kinh tế, các mối đe dọa về an ninh cũng là mối lo đang lớn dần tại các nước EU. Dù đã đóng cửa biên giới vì đại dịch Covid-19, trong những tháng cuối năm 2020, châu Âu lại hứng chịu các vụ tấn công khủng bố gây nhiều thương vong tại thủ đô Vienna của Áo và ở thành phố Nice miền Nam nước Pháp cũng như tại ngoại ô thủ đô Paris. Điều này cho thấy, chủ nghĩa khủng bố vẫn là một nguy cơ đang hiện hữu tại Lục địa già. Sự đối đầu giữa ý thức hệ phương Tây và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tiếp tục bộc lộ rõ nét và dường như quyết liệt hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với Mỹ, châu Âu đã trở thành mặt trận thứ hai của cuộc đối địch với các tổ chức khủng bố quốc tế. 

Nhìn chung, sứ mệnh phục hồi nền kinh tế, đưa EU vượt qua cơn khủng hoảng Covid-19 cùng những thách thức về an ninh sẽ là áp lực không nhỏ đối với Bồ Đào Nha trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU. Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cũng đã chỉ ra rằng, 6 tháng tới sẽ là giai đoạn nước này phải nỗ lực hết sức và làm việc tập trung mới có thể hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top