Nhức nhối vấn đề di cư

09:19 - Thứ Năm, 18/02/2021 Lượt xem: 6084 In bài viết

Cuộc khủng hoảng người di cư tiếp tục làm nóng các diễn đàn tại châu Âu thời gian gần đây, khi hàng nghìn người di cư ở Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vi-na sống trong cảnh màn trời chiếu đất do trại tị nạn bị cháy. Trong khi đó, các nước Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung liên quan hiệp ước mới về di trú.

Người di cư không có nơi ở sau khi trại tị nạn ở Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vi-na bị cháy. Ảnh ROI-TƠ

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU G.Bo-ren cho biết, khoảng ba nghìn người di cư ở Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vi-na không có nơi ở và không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản giữa mùa đông lạnh giá. Theo Tổ chức Di cư quốc tế, sau khi trại tị nạn Lipa bị cháy, Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vi-na đã xây dựng các khu vực tạm thời làm chỗ ở cho người di cư, song vẫn chưa thể đưa vào hoạt động, do bất đồng giữa nhà chức trách và người dân địa phương. EU cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu điều kiện sống của người di cư tại Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vi-na không sớm được cải thiện.

Tình trạng tại Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vi-na chỉ là một phần trong bức tranh tối màu về vấn đề người di cư tại châu Âu. Sau nhiều năm kể từ khi làn sóng người tị nạn do chiến sự tại Xy-ri, xung đột và nghèo đói ở Trung Đông cùng nhiều nước châu Phi làm bùng phát cuộc khủng hoảng người di cư nghiêm trọng tại châu Âu, lục địa già vẫn loay hoay tìm lời giải cho bài toán hóc búa này. Gánh nặng tiếp tục đè nặng lên vai những quốc gia ở "tuyến đầu" như Tây Ban Nha, Hy Lạp, I-ta-li-a. Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết, số người di cư trái phép đến quần đảo Ca-na-ri của nước này trong năm 2020 cao gấp tám lần năm 2019. Sự gia tăng đột biến này đẩy các trại tị nạn ở Ca-na-ri vào tình trạng quá tải, khiến Chính phủ Tây Ban Nha chịu nhiều sức ép trong nước liên quan vấn đề người di cư.

Theo Cơ quan bảo vệ Biên giới châu Âu (Frontex), châu Âu ghi nhận số người nhập cư trái phép giảm trong năm 2020, song đang đối mặt thực trạng đáng lo ngại khi người di cư đổi tuyến đường di chuyển, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn. Nhiều nước EU siết chặt quản lý biên giới đã khiến số người di cư chọn tuyến đường phía đông Địa Trung Hải và tây Địa Trung Hải tới EU giảm. Tuy nhiên, lục địa già chứng kiến sự gia tăng mạnh người nhập cư trái phép vào EU qua các ngả Tây Phi, trung Địa Trung Hải và tây Ban-căng để tìm đường đến miền đất hứa. Theo đó, năm 2020, số người lựa chọn tuyến đường qua khu vực phía trung Địa Trung Hải và khu vực quần đảo Ca-na-ri của Tây Ban Nha tăng đột biến. Số người di cư trên tuyến đường tây Ban-căng tăng 75%. Cũng trong năm 2020, hơn 9.500 người di cư tìm cách vượt eo biển Măng-sơ để từ Pháp vào Anh, cao gấp bốn lần năm 2019.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát, EU đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và phần nào hạn chế được dòng người di cư trái phép. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, do thiếu sự nhất quán, những giải pháp EU đưa ra không mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong nỗ lực mới nhất, tháng 9-2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một hiệp ước mới về di trú, với đề xuất bỏ hạn ngạch tiếp nhận người di cư, vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa các nước thành viên. EC kỳ vọng, hiệp ước mới giúp tháo gỡ bất đồng dai dẳng, tìm lời giải cho bài toán người di cư làm đau đầu nhiều thế hệ lãnh đạo EU. Trong vai trò nước Chủ tịch luân phiên EU sáu tháng cuối năm 2020, Đức đã đặt mục tiêu đạt thỏa thuận về hiệp ước di trú mới vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, đến nay, tiến trình này vẫn giậm chân tại chỗ. Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của EU Y.Giô-han-xơn cho biết, các cuộc thảo luận khó đạt kết quả thực chất khi thiếu đàm phán trực tiếp trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành.

Mặc dù cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu đã phần nào dịu bớt, song vẫn tiếp tục gây nhức nhối, kéo theo các hệ lụy nghiêm trọng từ mất đoàn kết nội khối đến các nguy cơ về an ninh, kinh tế, xã hội. Giới phân tích nhận định, để giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng, EU cần thống nhất chính sách về người di cư và tị nạn, đồng thời giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là tình trạng nghèo đói và xung đột tại Trung Đông, châu Phi.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top