Châu Phi: Nguy cơ tê liệt hệ thống y tế trong vòng xoáy Covid-19 thứ hai

09:38 - Thứ Ba, 23/02/2021 Lượt xem: 4653 In bài viết

Hệ thống y tế gặp khó khăn nghiêm trọng do thiếu trang thiết bị cần thiết cùng với sự xuất hiện của những biến chủng mới nguy hiểm hơn đã khiến tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại châu Phi lên trên mức trung bình toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng, biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 đang lây lan có thể khiến làn sóng dịch thứ hai tại Lục địa đen kéo dài, kéo theo nguy cơ làm tê liệt hệ thống y tế vốn đã mong manh tại châu lục 1,3 tỷ dân này.

Tỷ lệ xét nghiệm thấp là một nguyên nhân khiến các ca mắc Covid-19 tại châu Phi tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Châu Phi từng được xem là một hình mẫu của thế giới khi cách đây chỉ vài tháng, số ca tử vong do Covid-19 rất thấp. Tuy nhiên thời điểm hiện tại thì số người thiệt mạng vì dịch bệnh đã tăng vọt. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Africa) cho biết, tổng số ca tử vong tại châu lục này là hơn 100.200 người. Con số này cũng đã tăng 40% so với tháng trước, tương đương hơn 22.000 người tử vong trong 4 tuần qua.

Giám đốc CDC Africa John Nkengasong mô tả đây là “một cột mốc đau đớn”, đồng thời bày tỏ lo ngại số ca tử vong do Covid-19 có thể tăng lên từng ngày. Cho dù số người thiệt mạng tại châu Phi chỉ bằng một phần số ca tử vong ở các châu lục khác như châu Âu hay châu Mỹ, nhưng điều đáng lo ngại hơn lại là sự xuất hiện của biến chủng mới với khả năng lây lan nhanh hơn cùng độc lực cao hơn vi rút gốc đang khiến các bệnh viện tại đây rơi vào tình trạng quá tải.

Theo số liệu mới nhất, biến chủng 501 Y.V2 (được phát hiện ở Nam Phi vào cuối năm 2020) đã có mặt tại ít nhất 4 quốc gia trong khu vực bao gồm: Botswana, Ghana, Kenya và Zambia. Ngoài ra, biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh cũng đã xuất hiện ở Gambia và Nigeria, hai quốc gia vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Nhận định về thực trạng trên, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi Matshidiso Moeti lo ngại biến chủng mới sẽ gây nhiều khó khăn trong việc ứng phó và đẩy lùi làn sóng dịch thứ hai hiện vẫn hoành hành tại châu Phi. Bà Matshidiso Moeti nhấn mạnh, những nỗ lực kiểm soát làn sóng dịch bệnh thứ hai sẽ có hiệu quả nếu tất cả các quốc gia trong châu lục đẩy mạnh hợp tác, tiến hành xét nghiệm và cách ly các ca nhiễm biến chủng mới cùng với tăng cường biện pháp phòng dịch từ cấp cơ sở.

Thực tế, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, châu Phi mới tiến hành xét nghiệm cho khoảng 30 triệu dân, tỷ lệ thấp nhất thế giới. Ông John Nkengasong đã hối thúc các nước trong châu lục đẩy mạnh công tác xét nghiệm, đồng thời khẳng định biện pháp này có ý nghĩa quan trọng nhất trong công tác ứng phó dịch Covid-19 tại Lục địa đen bởi nếu không "chúng ta sẽ chiến đấu chống lại dịch bệnh như những chiến binh mù".

Bên cạnh đó, trong khi nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Á hay châu Mỹ đang hoặc bắt đầu triển khai các chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn vắc xin ngừa Covid-19, châu Phi gồm 54 quốc gia với khoảng 1,3 tỷ dân lại chưa có nhiều động thái. Trong bối cảnh này, tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vừa kết thúc hôm 20-2, các nhà lãnh đạo 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã cam kết tăng cường đóng góp cho Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX) để vắc xin ngừa đại dịch có thể đến với những nước nghèo, trong đó có châu Phi.

Theo đó, nếu có thể nhận được đủ số liều cần thiết, châu Phi sẽ có thể tiêm chủng được cho 35%-40% dân số trước cuối năm nay và 60% vào cuối năm sau. Hiện, hơn 30 nước châu Phi đã lên kế hoạch sẵn sàng tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Điều này được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để châu Phi tăng cường phòng, chống vi rút SARS-CoV-2 và sớm kiểm soát được đại dịch.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top