Châu Âu chú trọng sức mạnh phòng thủ không gian vũ trụ

15:22 - Thứ Tư, 24/02/2021 Lượt xem: 4641 In bài viết

Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố 3 dự án trọng điểm về lĩnh vực công nghệ máy bay không người lái, liên lạc trong không gian và quản lý giao thông trong không gian, nhằm tạo cho Liên minh châu Âu (EU) khả năng cạnh tranh mạnh mẽ, đồng thời thúc đẩy sức mạnh phòng thủ.

Trung tâm kiểm soát của ESA tại châu Âu.

Muốn tự chủ

EC cho biết dự án về máy bay không người lái sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của các công ty EU trong lĩnh vực quan trọng này so với các đối thủ khác trên thế giới. Trong khi đó, liên lạc trong không gian sẽ cung cấp khả năng kết nối tốc độ cao và bền vững trong châu Âu dựa trên công nghệ mật mã lượng tử. Còn việc quản lý giao thông trong không gian là cần thiết để tránh va chạm giữa các vệ tinh cũng như các mảnh vỡ của vệ tinh, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận độc lập của EU vào không gian. Theo Ủy viên phụ trách công nghiệp của EU Thierry Breton, các dự án trên sẽ giúp EU tự chủ hơn, giảm sự phụ thuộc công nghệ quan trọng vào các nước khác, đồng thời thúc đẩy vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực công nghiệp mà EU cần, để phục hồi sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Trước đó, lần đầu tiên sau 11 năm, Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) mở cuộc tìm kiếm những tài năng mới để bổ sung vào đội ngũ phi hành gia tương lai, trong bối cảnh nhiều quốc gia vạch ra chiến lược và tầm nhìn mới cho các sứ mệnh khám phá Mặt trăng, thậm chí là sao Hỏa.

Theo giới quan sát, với những bước đi mới, EU đã cho thấy tham vọng muốn củng cố vị thế trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Giới lãnh đạo của liên minh này xác định, không gian là động lực cho nền kinh tế, là công cụ chiến lược trong một xã hội số hóa với các thiết bị công nghệ cao, đồng thời có thể mang đến những giải pháp, giúp tháo gỡ các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu. Ngành không gian vũ trụ còn tạo thêm việc làm, giúp chống lại xu hướng phi công nghiệp hóa tại châu Âu cũng như hiện tượng “chảy máu chất xám”. Đại diện tập đoàn Eurospace cho rằng EU cần xúc tiến một chương trình vũ trụ với nhiều tham vọng hơn nữa để có thể cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc. Hai cường quốc này hiểu rõ tương lai của vị trí lãnh đạo thế giới về an ninh và quốc phòng sẽ do khả năng làm chủ không gian vũ trụ quyết định.

Hợp tác với đối thủ

Hiện mức ngân sách EU dành cho lĩnh vực không gian vũ trụ được đánh giá là thấp hơn so với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) - đối thủ cạnh tranh lớn của châu Âu. Trong năm 2019, các quốc gia thành viên EU cam kết mức tài trợ trị giá 14,4 tỷ EUR (17,5 tỷ USD) cho ngân sách hoạt động giai đoạn 2020-2022, tăng 45% so với mức 8,6 tỷ EUR (10,4 tỷ USD) hồi năm 2016. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giữa năm 2020, Ủy ban châu Âu đã cắt giảm ngân sách dành cho vũ trụ trong 7 năm tiếp theo, với nguồn ngân sách tối đa 13,2 tỷ EUR (khoảng 15,2 tỷ USD) để tập trung triển khai các chương trình vệ tinh Galileo và Copernicus.

EU vẫn duy trì xu hướng hợp tác với các đối thủ cạnh tranh như NASA, cơ quan vũ trụ của Nhật Bản và Canada trong kế hoạch chinh phục Mặt trăng cho đến sao Hỏa. Trong giai đoạn tiếp theo ở chương trình thám hiểm đang diễn ra trên sao Hỏa, ESA hợp tác với NASA đưa các mẫu vật thu thập được bằng tàu Perseverance về Trái đất để nghiên cứu các tín hiệu về sự sống trong quá khứ. NASA và ESA cũng vừa ký kết bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng căn cứ trên trạm vũ trụ Artemis Gateway. Đây là thỏa thuận chính thức đầu tiên của NASA trong nỗ lực đưa các phi hành gia quốc tế lên Mặt trăng thông qua các sứ mệnh Artemis. Trạm vũ trụ hoạt động trên quỹ đạo Mặt trăng Artemis Gateway sẽ trở thành điểm trung chuyển để các nhà du hành đáp xuống bề mặt Mặt trăng. Theo thỏa thuận, phía ESA sẽ cung cấp các module trên trạm Gateway, bao gồm dùng làm nơi ở chính cho phi hành gia, tiếp nhiên liệu, nâng cao khả năng liên lạc và phục vụ cho tàu du hành Orion của NASA.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top