Kinh tếMôi trường rừng

Nặng lòng Pơ Mu

15:05 - Thứ Sáu, 19/03/2021 Lượt xem: 5193 In bài viết

ĐBP - Hơn 1 giờ  men theo con đường núi gồ ghề, dốc cao, chúng tôi tìm đến những vạt rừng nổi tiếng thơm hương của mảnh đất Mường Đăng, huyện Mường Ảng. Nhưng giờ đây, mùi hương quyện đất trời ấy - mùi thơm của rừng già pơ mu không còn nữa. Leo lên dốc núi dựng đứng tìm cây pơ mu, trong hàng ngàn các loài cây tạp, hiếm hoi lắm chúng tôi mới gặp được một vài cây pơ mu non còn sót lại…

Ông Lý A Súng giới thiệu về cây pơ mu hiếm hoi còn lại trong rừng của bản.

1. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi người dân bản Chan 2 (xã Mường Đăng) ngày một đông lên mà đất nương lại ít, bạc màu, một số hộ tìm đường lên núi pơ mu. Ngày ấy núi rặt một loài cây là pơ mu, nhiều cây to đến nỗi mấy người nắm tay nhau mà ôm không xuể. Vì thế, năm 1990, 4 gia đình đầu tiên dời nhà lên chân núi pơ mu. Từ đó, số nóc nhà nơi đây tăng dần, người dân nơi đây gọi cụm dân cư này theo tên rừng mà họ gắn bó - Pơ Mu. Nhưng phải đến năm 2014, bản Pơ Mu mới chính thức được thành lập.

Là một trong những hộ đầu tiên khai phá mảnh đất này, ông Lý A Súng (sinh năm 1960) kể lại: “Năm 1990, gia đình tôi chuyển đến đây sinh sống. Lúc ấy đâu đâu cũng là rừng, là những gốc cây pơ mu, ra khỏi cửa là nhìn thấy pơ mu, leo núi vài bước là chạm tay vào những gốc pơ mu 3 - 4 người ôm. Vì thế nơi đây lúc nào cũng thoang thoảng hương thơm pơ mu. Sống dưới rừng pơ mu, chúng tôi biết ơn loài cây này nên lấy nó làm tên gọi cho bản”.

Ngay dưới lối lên rừng hiện giờ là ngôi nhà gỗ pơ mu cũ kỹ của gia đình bà Giàng Thị Say (sinh năm 1946), một trong những người cao tuổi nhất bản. Ngôi nhà gần 30 năm tuổi nhưng những cột, ván pơ mu vẫn nguyên vẹn, chắc chắn, chỉ đổi màu thời gian. Chiều vùng cao buông nhanh, se lạnh, bà Say vẫn ngồi một mình góc sân nhìn ngắm ngôi nhà xưa cũ, những nếp nhăn trên khuôn mặt như chùng xuống, mang nhiều tâm tư. Qua người bản địa phiên dịch giúp chúng tôi, ý của bà Say là: “Ngày trước, khi mới chuyển đến đây, cây cối xen cài, chồng nhau, toàn pơ mu. Các hộ dân không khai thác rừng cây mà chỉ hái củ, quả dưới tán rừng. Nhưng đến năm 1992 - 1993, khi có chủ trương khai thác rừng pơ mu, người ở ngoài địa bàn vào chặt hạ ồ ạt, đốn gần như hết cây pơ mu. Xót xa lắm nhưng không biết làm sao. Gia đình tôi đi thu lượm những gì còn sót lại, làm được ngôi nhà này, nhìn nhà như được thấy lại bóng dáng rừng pơ mu xưa”. Đây cũng là nỗi niềm đau đáu của các thế hệ người dân bản Pơ Mu.

2. Hơn 60 tuổi, đôi chân ông Lý A Súng vẫn nhanh nhẹn leo rừng, cùng các thanh niên Tổ quản lý, bảo vệ rừng của bản đưa chúng tôi đi tìm pơ mu, bởi mong mỏi cuối đời của ông là làm sao gây dựng lại rừng pơ mu. Tâm huyết ấy của những bậc cao niên trong bản đã truyền cho thế hệ sau, để họ dốc lòng bảo vệ rừng, bảo vệ những mầm xanh pơ mu còn sót lại. Tuy nhiên việc phát triển lại loài cây pơ mu có vẻ không dễ dàng. Lý A Thẩy, thanh niên tuổi 20, thành viên Tổ quản lý, bảo vệ rừng của bản Pơ Mu chỉ tay về cây thân gỗ thẳng đứng phía trước, nói: “Cây pơ mu đây. Thỉnh thoảng có vài cây chụm lại gần nhau, cũng có chỗ khoảng rừng rộng mới tìm thấy một vài cây pơ mu. Cây này chắc hơn tuổi em, đường kính khoảng 30cm. Nhưng mấy năm nay, em lên rừng thường xuyên mà thấy cây pơ mu phát triển rất chậm, gần như không lớn lên. Hàng năm, hạt rụng xuống đất, tỷ lệ mọc mầm rất thấp, cây sống được lại càng ít. Nhiều cây lên cao 1 - 1,5m là chết dần hoặc không phát triển tiếp. Bà con trong bản ươm mầm, đánh cây ra chỗ khác trồng, chăm sóc cũng không được nên ai cũng lo. Sau này không còn cây pơ mu thì tên bản không còn ý nghĩa gì nữa”.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn trao đổi với người dân bản Pơ Mu về bảo vệ, quản lý rừng.

Điều này cũng được ông Vừ A Kỷ, cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Mường Đăng, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Ảng, xác nhận: “Trong khu vực rừng của bản Pơ Mu còn khoảng 200 cây pơ mu có độ tuổi 20 - 30 năm, đường kính 20 - 35cm. Những cây này đã có hạt nhưng dưới gốc, khu vực xung quanh, rất hiếm thấy cây mới mọc lên. Đổi lại, người dân bản Pơ Mu là điển hình tiêu biểu trong giữ rừng, làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Bà con trân trọng và ý thức cao việc bảo vệ cây pơ mu, không có tình trạng phá rừng, vi phạm luật lâm nghiệp”.

3. Quả thật, rừng pơ mu như là báu vật với người dân bản Pơ Mu. Hiện trong hơn 164ha rừng của bản, dưới những tán cây xanh rì vẫn còn những dấu tích rừng già - đó là khoảng 20 - 30 gốc pơ mu cổ thụ vẫn chắc chắn, không mối mọt dù bị đốn hạ đã hàng chục năm. Dù không còn khả năng hồi phục, phát triển nhưng người dân bản Pơ Mu không khai thác mà nhất quyết giữ gìn. Anh Lý A Chua, Bí thư Chi bộ bản Pơ Mu, cho biết: “Dù chỉ còn cái gốc, bản cũng quyết giữ lại. Bản đã đề ra quy định về bảo vệ rừng, không cho người bản khác vào rừng phá, người trong bản đều có trách nhiệm gìn giữ những gốc, cây pơ mu còn lại. Người dân trong bản mà vi phạm mức độ nhẹ thì xử phạt như bình thường, cố tình vi phạm sẽ đưa lên cấp trên giải quyết. Tất cả người dân bản Pơ Mu đều ủng hộ và tự giác bảo vệ rừng. Năm 2020, bà con đi nương phát hiện người ngoài vào rừng xẻ gốc pơ mu đã thông báo cho bản tới ngăn chặn kịp thời. Để quản lý, bảo vệ rừng tốt, từ năm 2019, bản thành lập Tổ quản lý, bảo vệ rừng với 15 người, có trách nhiệm chia tổ thường xuyên tuần tra rừng, kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm. Hàng năm, bà con dân bản vẫn tự nguyện bỏ ngày công tham gia tu sửa, mở đường tuần tra rừng, phát dọn cây bụi, làm đường băng cản lửa để bảo vệ rừng”.

Với diện tích rừng trên, hàng năm bản Pơ Mu được chi trả hơn 60 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (từ năm 2017). Bản thống nhất để lại mỗi năm 10 triệu làm quỹ duy trì các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, còn lại chia đều cho 19/19 hộ dân bản. Số tiền tuy không nhiều nhưng là động lực, thêm phần khích lệ người dân gắn bó với rừng, vươn lên thoát nghèo.

Mặt trời dần khuất sau đỉnh núi, chúng tôi rời cánh rừng Pơ Mu. Quay đầu nhìn lại, bản mang tên loài gỗ quý dần thu nhỏ trong tầm mắt mà lòng trĩu nặng. Một bản vùng cao hiu hắt, còn nhiều thiếu thốn nhưng nặng tình, luôn đau đáu nỗi lo gìn giữ một loài cây như bảo vật gia truyền.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top