Châu Âu: Nguy cơ trì hoãn phục hồi kinh tế do làn sóng dịch Covid-19 mới

16:11 - Thứ Tư, 31/03/2021 Lượt xem: 4487 In bài viết

Một làn sóng dịch Covid-19 mới đang lây lan ở châu Âu, đã cản trở Lục địa già mở cửa trở lại nền kinh tế. Khi đại dịch ngày càng khó kiểm soát, các chính phủ trên khắp châu Âu phải tái thực hiện các lệnh phong tỏa. Điều này có thể gây nguy cơ trì hoãn sự phục hồi tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Pháp đã áp đặt lệnh phong tỏa một tháng với thủ đô Paris và nhiều vùng phía Bắc do ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh.

Vào tháng 9-2020, khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại sau đợt suy giảm tồi tệ do làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên, có nhiều kỳ vọng vào khả năng kinh tế châu Âu sẽ đi vào quỹ đạo phục hồi giữa năm nay. Tuy nhiên, những ngày qua, chính phủ nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) liên tục cảnh báo hệ thống bệnh viện có nguy cơ bị quá tải do số ca nhiễm Covid-19 tăng cao. Sự bùng phát này chủ yếu do biến chủng vi rút SARS-CoV-2 có ký hiệu B.1.1.7, được phát hiện đầu tiên ở Anh gây ra.

Giờ đây, các nền kinh tế mạnh nhất của EU là Đức, Pháp và Italia đã tái áp đặt các biện pháp phong tỏa vì làn sóng dịch Covid-19 thứ ba và dường như đại dịch đang ngày càng khó kiểm soát. Pháp đã áp đặt một lệnh cấm mới trong 4 tuần ở Paris và một số khu vực khác sau khi mức độ nhiễm Covid-19 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Italia công bố lệnh cấm vận mới vào Lễ Phục sinh. Trong khi đó, một số thành phố của Đức lùi việc dỡ bỏ các hạn chế chỉ mới được nới lỏng gần đây do tình trạng nhiễm Covid-19 gia tăng mạnh.

Chính phủ các nước châu Âu đã từng hy vọng việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho một lượng dân số nhất định đầu năm 2021 sẽ giúp nới lỏng các hạn chế và cho phép người dân tận hưởng một mùa hè tương đối bình thường. Tuy nhiên, thay vào đó, tốc độ tiêm chủng chậm chạp lại báo hiệu kinh tế châu Âu sẽ tụt xa so với Mỹ. Chưa đầy 10% dân số các nước lớn ở EU như Pháp, Đức và Italia đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin, rất thấp so với tỷ lệ 23% ở Mỹ.

EU đặt mục tiêu cho các nước thành viên là 70% dân số được tiêm chủng vào tháng 9-2021. Nhưng trên thực tế tốc độ đó vẫn chưa chắc đạt được do vấn đề thiếu hụt nguồn cung vắc xin phòng Covid-19. Điều này đã khiến các nhà kinh tế khu vực tư nhân, bao gồm cả những chuyên gia tại Goldman Sachs, Barclays, Berenberg cắt giảm dự báo về tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trái ngược với triển vọng tươi sáng của Mỹ và phần lớn nền kinh tế toàn cầu.

Theo dữ liệu của Google Mobility, số lượt ghé thăm các không gian bán lẻ, giải trí như nhà hàng, quán cà phê và trung tâm mua sắm ở Tây Âu hiện bằng một nửa so với trước đại dịch. Những hạn chế đó khiến kinh tế Eurozone dự kiến suy giảm trong quý I-2021 và bước vào cuộc suy thoái kép.

Trước khi chương trình tiêm chủng gặp khó khăn, các nhà hoạch định chính sách dự kiến EU sẽ phục hồi nhẹ trong quý II-2021 và tăng trưởng nhanh trong suốt mùa hè. Theo kịch bản đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của gần một nửa trong số 19 thành viên Eurozone sẽ trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm nay. Kinh tế EU sẽ tăng khoảng 4% năm nay, so với mức 6,5% theo dự kiến ở Mỹ. Nhưng giờ đây, nếu việc mở cửa bị trì hoãn 3 tháng hoặc lâu hơn, EU sẽ chỉ tăng trưởng 2,5% trong năm 2021. Thay vì đạt mức GDP như dự kiến, nền kinh tế này sẽ không thể phục hồi cho đến cuối năm 2022.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) vẫn quyết định giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Eurozone ở mức 4,2% cho năm 2021, viện dẫn yếu tố tích cực là tín dụng giá rẻ. Dù tỏ ra thất vọng về triển vọng ngắn hạn đối với Eurozone nhưng các nhà kinh tế tin rằng khu vực này sẽ phục hồi mạnh mẽ nếu dịch Covid-19 được kiểm soát và các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ vào cuối năm nay.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top