Thỏa thuận hạt nhân Iran trước ngã rẽ đột phá

16:47 - Thứ Ba, 06/04/2021 Lượt xem: 2756 In bài viết

Sau nhiều năm căng thẳng Mỹ - Iran với nhiều lúc tưởng chừng chiến tranh đã cận kề, việc Iran ngồi đàm phán với nhóm P5+1 được cho là một bước đột phá. 

 

Khu vực lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Bushehr ở miền nam Iran, ngày 3/4/2007. Ảnh: Getty

Cuộc gặp tại thủ đô Vienna của Áo trong ngày 6/4 (giờ địa phương) được đánh giá là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên của các bên nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân sau gần 3 năm chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận này. Dù cùng tới thủ đô của nước Áo, nhưng quan chức Mỹ và Iran sẽ không đàm phán song phương trực tiếp.

Theo thông tin mà các nước tham gia cuộc gặp tuyên bố, hội nghị dự kiến đưa ra các nội dung rõ ràng về các bước Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran, lộ trình để Iran thực hiện các cam kết theo thỏa thuận về cắt giảm quy mô chương trình hạt nhân trong nước, cũng như thảo luận về tổ chức các cuộc họp giữa các ủy ban gồm các chuyên gia chuyên ngành. 

Trong một cuộc phỏng vấn với NHK của Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tiết lộ rằng, nước này đã nhận được đề xuất từ ​​phía Mỹ về cách thức xúc tiến đàm phán. Quan chức này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cả hai bên đặt ra một thời gian biểu để thực hiện các bước cần thiết nhằm khôi phục thỏa thuận.

Tuy nhiên, nhận định về triển vọng các cuộc đàm phán, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, cuộc đàm phán sẽ hết sức khó khăn.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ: “Chúng tôi không đánh giá thấp quy mô của những thách thức trước mắt. Đây mới là những ngày đầu. Chúng tôi không dự đoán sẽ lập tức hoặc sớm có một bước đột phá vì chúng tôi hoàn toàn dự kiến được rằng các cuộc thảo luận này sẽ hết sức khó khăn. Nhưng chúng tôi tin rằng những cuộc thảo luận với các đối tác của chúng tôi  và đến lượt các đối tác của chúng tôi với Iran là một bước tiến lành mạnh”.

Theo các nhà phân tích chính trị, để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như đảm bảo thỏa thuận được tuân thủ trong tương lai đòi hỏi các bên đối thoại phải tìm cách thỏa mãn điều kiện của nhau.

Hiện Mỹ vẫn theo đuổi cách tiếp cận là Iran phải tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận trước, rồi mới xem xét dỡ bỏ cấm vận từng phần. Ngược lại, Iran cương quyết bảo vệ quan điểm là các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ hoàn toàn trước khi tiến hành đàm phán.

Việc Mỹ và Iran kiên quyết theo đuổi cách tiếp cận trái chiều này phản ánh thực tế là lòng tin giữa các bên vẫn chưa được thiết lập, nhiều khả năng sẽ gây ảnh hưởng không ít tới cuộc họp giữa các bên vào hôm nay. Do đó, vấn đề hiện nay là giữa Mỹ và Iran bên nào sẽ phải nhượng bộ và hành động trước để cứu vãn Thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện.

Chính vì vậy, trong một tuyên bố đưa ra mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, nếu cả Mỹ và Iran không bên nào chịu lùi bước, tuân thủ thỏa thuận “thì việc đàm phán có thể diễn ra vô thời hạn”. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga gợi ý rằng, cả Mỹ và Iran nên có các bước đi đồng bộ để khôi phục Thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

P.V (Theo VOV)
Bình luận
Back To Top