Tiêm mũi vắc xin phòng Covid-19 thứ 3: Nguy cơ bất bình đẳng phân phối vắc xin

14:16 - Thứ Năm, 15/07/2021 Lượt xem: 3330 In bài viết

Biến thể Delta của vi rút SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt khiến nhiều quốc gia nảy sinh ý tưởng tiêm tăng cường mũi vắc xin phòng Covid-19 thứ 3. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định, việc tiêm liều bổ sung phải dựa trên cơ sở khoa học, không phải dựa vào những khuyến cáo mà các công ty dược đưa ra. Cùng với đó, cũng nổi lên những lo ngại về nguy cơ bất bình đẳng trong phân phối vắc xin trên toàn cầu.

Nhân viên y tế Israel tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho người dân.

Những tranh cãi xung quanh sự cần thiết của mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 thứ 3 bùng nổ sau khi Công ty Dược Pfizer và đối tác BioNTech công bố kế hoạch đề nghị các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu cho tiêm thêm một liều tăng cường.

Đề nghị này xuất phát từ lập luận về sự suy giảm miễn dịch tự nhiên, giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại vi rút SARS-CoV-2 sau 6 tháng kể từ thời điểm tiêm. Các công ty dược cũng đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy, liều vắc xin thứ 3 giúp kháng thể của người được tiêm tăng lên 5-10 lần so với việc tiêm 2 liều hiện nay. Trưởng bộ phận nghiên cứu của Công ty Dược Pfizer Mikael Dolsten viện dẫn các kết quả đánh giá từ Anh và Israel để minh chứng về tính hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 trong việc chống lại biến chủng Delta, qua đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm tăng cường mũi thứ 3. Các quan điểm ủng hộ cách làm này cho rằng, bổ sung một mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 là cần thiết nếu trong trường hợp số ca nhập viện hoặc tử vong ở những người đã tiêm đầy đủ 2 mũi gia tăng.

Thực tế, quan điểm về sự cần thiết của mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 thứ 3 đã xuất hiện ở một số nước. Ngày 12-7, Israel bắt đầu cho phép tiêm mũi vắc xin tăng cường bằng sản phẩm của Pfizer/BioNTech cho các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu. Trước đó, Nga đã cho tiêm nhắc lại với những ai hoàn thành tiêm chủng cách đây 6 tháng. Tại Đông Nam Á, Thái Lan sẽ tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin của AstraZeneca cho những người đã tiêm vắc xin Sinovac. Anh, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ cũng lên kế hoạch hoặc đã đặt mua vắc xin nhằm phục vụ nhu cầu tiêm nhắc lại trong năm 2022.

Tuy nhiên, trào lưu tiêm tăng cường liều lượng vắc xin vấp phải sự phản đối kịch liệt của các chuyên gia y tế. Sau các cuộc gặp với Pfizer, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đều khẳng định, những người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin không cần tiêm mũi bổ sung vào thời điểm này. Các chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nêu rõ, không có bằng chứng nào cho thấy sự cần thiết của mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 thứ 3. Nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan nhấn mạnh, việc tiêm liều bổ sung phải được dựa trên khoa học và dữ liệu, không phải dựa vào khuyến cáo từ các công ty dược.

Bên cạnh những tranh cãi về khoa học, giới chuyên môn cũng lo ngại về việc gia tăng nguy cơ bất bình đẳng trong phân phối vắc xin trên toàn cầu khi các nước thúc đẩy kế hoạch tiêm mũi vắc xin thứ 3. Hiện, chính nước Mỹ mới chỉ tiêm được cho 48% dân số, trong khi rất nhiều nước hiện còn chưa có đủ lượng vắc xin cần thiết để bảo vệ lực lượng lao động cơ bản.

Tổng Giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus cho rằng, các nước có điều kiện kinh tế thay vì tổ chức tiêm mũi thứ 3 hãy ưu tiên chia sẻ vắc xin cho những nước nghèo. Người đứng đầu WHO cũng kêu gọi các công ty dược cần ưu tiên cung cấp vắc xin cho những quốc gia khó khăn, thay vì vận động các nước giàu sử dụng liều lượng vắc xin nhiều hơn.

Vì thế, thay vì tranh cãi về sự cần thiết của mũi tiêm vắc xin thứ 3, cộng đồng quốc tế nên hướng tới nỗ lực phủ rộng vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng, sớm khống chế dịch bệnh.

P.V (theo HNM)
Bình luận
Back To Top