Thái Lan sửa luật nhằm tăng hiệu quả công tác chống dịch

15:56 - Thứ Tư, 22/09/2021 Lượt xem: 2428 In bài viết

Chính phủ Thái Lan ngày 21/9 đã thông qua việc sửa đổi Luật phòng chống dịch truyền nhiễm năm 2015, đặt ra một cơ chế mới để thay thế sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay.

Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek.

Phát biểu sau cuộc họp, phó phát ngôn viên chính phủ Rachada Dhnadirek khẳng định, việc sửa đổi luật được tiến hành nhằm cải thiện hiệu quả của công tác chống dịch và đẩy nhanh những nỗ lực kiềm chế một đợt bùng phát dịch mới. Dự luật sửa đổi mới cũng bổ sung thêm cơ chế quản lý các trường hợp khẩn cấp về y tế cộng đồng. Theo đó, việc quản lý các tình huống khẩn cấp về y tế sẽ được tách rời khỏi các tình huống khẩn cấp nghiêm trọng nào khác đang phát sinh hoặc tái phát sinh.

Bà nói: “Trong trường hợp một đợt dịch bệnh nghiêm trọng bùng phát, sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp sẽ không được áp dụng. Thay vào đó, Luật phòng chống dịch truyền nhiễm sẽ được kích hoạt”. Ngoài ra, luật phòng chống dịch sửa đổi mới của Thái Lan cũng sẽ cho phép thiết lập một cơ quan mới để chỉ đạo công tác chống dịch.

Tình trạng khẩn cấp hiện nay, được áp dụng theo sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp nhằm tạo thuận lợi cho các nỗ lực kiềm chế đại dịch của Chính phủ Thái Lan, dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 9 này. Tới thời điểm đó, Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 Thái Lan (CCSA), vốn được thành lập theo Điều 7 của Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, về mặt kỹ thuật cũng sẽ không còn tồn tại nếu tình trạng khẩn cấp không được gia hạn. Theo bà Rachada, hiện Chính phủ Thái Lan chưa thảo luận về khả năng tiếp tục gia hạn việc áp đặt tình trạng khẩn cấp khi nó hết hạn vào ngày 30/9.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam, CCSA sẽ tiếp tục hoạt động trong thực tế theo một hình thức khác sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ. Ông Wissanu nói: “Khi luật mới được áp dụng, một cơ quan mới có quy mô thậm chí còn lớn hơn CCSA hiện nay sẽ được thành lập nếu cần thiết. Bởi vậy, việc CCSA có bị giải thể hay không cũng sẽ không còn quan trọng”.

Bà Ratchada cũng nhấn mạnh rằng dự thảo luật sửa đổi về kiểm soát dịch được phê chuẩn không bao gồm vấn đề ân xá cho các nhà hoạch định chính sách. Bà nói: “Luật sửa đổi này chỉ nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn cho các nhân viên y tế và những người được giao nhiệm vụ như luật quy định, đã làm việc một cách trung thực. Những người này, bao gồm tình nguyện viên y tế, nhân viên cấp cứu và những nhân viên chăm sóc bệnh nhân Covid-19 khác, sẽ được miễn trừ trách nhiệm nếu họ chứng minh được đã thực hiện công việc một cách trung thực.

Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế Thái Lan cho biết số ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này đang dần giảm xuống sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế để hồi phục nền kinh tế. Bí thư thường trực Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit nói rằng trong thời gian tới, khi những người nhiễm Covid-19 chủ yếu ở thể nhẹ và số ca nhiễm mới xuống thấp, Covid-19 sẽ được coi là một bệnh dịch thông thường ở Thái Lan.

Theo số liệu được Bô Y tế Thái Lan công bố sáng 22/9, trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 11.252 ca nhiễm Covid-19 mới và 141 ca tử vong do Covid-19. Như vậy, kể từ khi đại dịch bùng phát ở Thái Lan từ đầu năm 2020 đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.511.357 ca nhiễm và 15.573 ca tử vong do Covid-19.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top