Châu Âu tìm giải pháp đối phó khủng hoảng năng lượng

16:15 - Thứ Tư, 06/10/2021 Lượt xem: 3261 In bài viết

Trong bối cảnh các quốc gia EU đang phải đối mặt với giá khí đốt và giá điện tăng cao kỷ lục, các bộ trưởng Tài chính quốc gia thành viên khu vực châu Âu (Eurogroup) ngày 5-10 đã nhóm họp tại Luxembourg để tìm cách hóa giải tình trạng khan hiếm nhiên liệu và giá cả tăng cao.

“Xin lỗi, hết xăng” là bảng thông báo xuất hiện tại các cây xăng trên khắp nước Anh. Ảnh: The Guardian

Ảnh hưởng lạm phát

Trước cuộc họp của Eurogroup, một số quốc gia như Pháp và Tây Ban Nha đã chỉ trích các quy tắc vận hành của thị trường điện châu Âu. Việc Pháp không được bảo hộ trước sự gia tăng giá điện dù họ có nguồn điện hạt nhân khổng lồ đã khiến nhiều người thất vọng. Các quốc gia khác, nơi năng lượng tái tạo rất phổ biến, cũng gặp phải vấn đề tương tự. Giá điện được quy định bởi khí đốt, do đó ngay cả khi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt cũng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu.

Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc hội nghị, Chủ tịch Eurogroup Paschal Donohoe cho biết, giá năng lượng tăng cao chỉ là “tạm thời”. Eurogroup đã xem xét cuộc khủng hoảng năng lượng vì điều này ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ lạm phát trong khu vực đồng EUR, vốn đã tăng lên 3,4% vào tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Eurogroup, tỷ lệ lạm phát sẽ giảm vào năm 2022. Về phần mình, Cao ủy EU về các vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni nhấn mạnh Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sớm đưa ra một loạt biện pháp để giúp các nước thành viên đối phó với giá năng lượng tăng. Theo đó, EU sẽ ký kết các hợp đồng chung mua khí đốt. Ông Paolo Gentiloni cũng đề cập đến những sáng kiến khả thi liên quan đến việc tích trữ khí đốt cũng như triển khai các biện pháp cụ thể để giúp các gia đình và doanh nghiệp đối phó với chi phí năng lượng tăng cao. Riêng Bỉ không đặt nhiều kỳ vọng vào châu Âu bởi dự luật năng lượng thuộc thẩm quyền quốc gia. Do đó, Chính phủ Bỉ phải tự quản lý cuộc khủng hoảng. Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ Bỉ sẽ cấp năng lượng cho các gia đình và gia hạn biểu giá xã hội đối với điện và khí đốt cho đến ngày 31-12 năm nay.

Bình ổn giá dầu

Trong một diễn biến khác liên quan tới nguồn cung năng lượng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày đến tháng 11 tới. Quyết định trên được các bộ trưởng OPEC+ đưa ra sau cuộc họp trực tuyến ngày 5-10 nhằm kéo giảm giá dầu đang ngày càng tăng. Cuộc họp được tiến hành trong bối cảnh OPEC+ đang chịu áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ và Ấn Độ về việc tăng sản lượng sau khi giá dầu thế giới tăng 50% trong năm nay.

Nhu cầu tiếp tục tạo gánh nặng lên nguồn cung dầu thô toàn cầu. Giá dầu mỏ đã lần đầu tiên trong 3 năm qua tăng lên mức hơn 80 USD/thùng. Việc giá dầu tăng một mặt có lợi cho các nhà sản xuất bằng cách tăng khối lượng xuất khẩu và doanh thu, mặt khác lại gây ra những hạn chế trong trung hạn vì giá dầu tăng có nguy cơ kìm hãm sự phục hồi kinh tế vốn mong manh sau đại dịch Covid-19.

Trước đó, trong cuộc họp hồi đầu tháng 9, OPEC+ đã thống nhất chủ trương sẽ tăng dần sản lượng khai thác dầu thô theo chính sách đang được áp dụng. Các chuyên gia OPEC+ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thô của năm 2022 sẽ lên tới 4,2 triệu thùng/ngày, tăng so với con số dự báo trước đó 3,28 triệu thùng/ngày. Điều này được cho là có thể khiến OPEC+ sẽ tăng sản lượng khai thác dầu trong tương lai.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top