Từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin phòng Covid-19: Cần thêm nhiều nỗ lực

08:34 - Thứ Ba, 19/10/2021 Lượt xem: 3484 In bài viết

Sau nhiều lần được đưa ra thảo luận, đàm phán và mới đây nhất là cuộc họp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các quốc gia vẫn chưa thể đi đến thống nhất về việc tạm thời dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin phòng Covid-19 để thúc đẩy sản xuất và góp phần giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin. Có thể thấy, cần thêm nhiều nỗ lực để tạo bước đột phá trong các cuộc đàm phán chính thức và không chính thức trong thời gian tới.

Các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới vẫn chưa đồng thuận về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin phòng Covid-19.

Theo trang Medical Express, các quốc gia thành viên WTO một lần nữa không thể nhất trí trong việc đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin phòng Covid-19. Hội đồng của WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đã có các cuộc họp để cố gắng đạt được tiến bộ về vấn đề này, song chưa có được sự đồng ý của tất cả các thành viên. Trong tuyên bố hôm 16-10, WTO cho biết TRIPS đã không đạt được thỏa thuận.

Những nước ủng hộ đề xuất được Ấn Độ và Nam Phi đưa ra vào năm ngoái cho rằng, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ cho phép phát triển sản xuất vắc xin mà không sợ vi phạm bằng sáng chế và không phải phụ thuộc vào nguồn cung từ các nhà sản xuất lớn. Đây là điều đáng lưu tâm, bởi trong khi nhiều nước còn đang chật vật để tiếp cận nguồn cung vắc xin thì một số nước khác thậm chí đã triển khai việc tiêm liều tăng cường cho những người đã tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối gay gắt từ những quốc gia sở hữu các tập đoàn dược phẩm lớn. Nhiều ý kiến còn cho rằng, việc đình chỉ các quy tắc cấp bằng sáng chế có thể kìm hãm sự đổi mới và gây khó khăn cho chuỗi cung ứng vắc xin toàn cầu.

Trong khi những cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra, các chuyên gia thương mại cảnh báo nền kinh tế thế giới sẽ chịu tổn hại nếu khả năng tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 ở các nước đang phát triển không được cải thiện. Theo trang Global Trade Review, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) diễn ra đầu tháng 10 cho biết đại dịch “sẽ tiếp tục làm suy yếu các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực trừ khi việc tiếp cận vắc xin được tăng cường ở các nước đang phát triển”. Tuyên bố của hội nghị cũng trích dẫn đánh giá của Tổng Thư ký Phòng Thương mại quốc tế (ICC) John Denton, rằng nền kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 9,2 nghìn tỷ USD nếu việc tiếp cận vắc xin không được mở rộng.

Một số thành viên WTO đã nhấn mạnh “nguy cơ không đạt được kết quả trừ khi các phái đoàn có thể đưa ra những thỏa hiệp thực sự”. Các thành viên này nhìn nhận rằng, một kết quả tích cực và có ý nghĩa không chỉ gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết mà còn là bằng chứng cho thấy WTO có khả năng ứng phó với một cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu. Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo Iweala cho biết các cuộc đàm phán chính thức về việc từ bỏ tạm thời các quy tắc sở hữu trí tuệ với vắc xin phòng Covid-19 vẫn bế tắc, song các cuộc đàm phán không chính thức đang được tăng cường. Bà N.O.Iweala tin tưởng các thành viên WTO có thể tìm ra một thỏa hiệp thực tế đối với việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm tiếp cận công bằng vắc xin, đồng thời duy trì các động lực cho nghiên cứu và đổi mới.

Áp lực trong việc đạt được một thỏa thuận đang gia tăng khi chỉ còn vài tuần nữa là đến Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO, diễn ra từ ngày 30-11 đến 3-12 tại Geneva (Thụy Sĩ). Chủ tịch TRIPS Dagfinn Sorli cho biết, TRIPS sẽ tiếp tục tham vấn các quốc gia thành viên về cách đạt được sự đồng thuận trước hội nghị cấp bộ trưởng ở Geneva. Các cuộc thảo luận tiếp theo cũng đã được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 26-10 tới.

P.V (theo HNM)
Bình luận
Back To Top