Nóng bỏng biên giới EU

12:13 - Thứ Năm, 11/11/2021 Lượt xem: 4658 In bài viết

Tình trạng nhập cư ồ ạt vào Liên minh châu Âu (EU) lại nóng lên khi Ba Lan tăng quân dọc biên giới với Belarus. 

Hàng rào dây thép gai dọc biên giới Ba Lan - Belarus. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ngày 8-11 thông báo, giới chức nước này đã tăng số binh sĩ đồn trú tại biên giới với Belarus lên hơn 12.000 nhằm đối phó với tình trạng di cư bất hợp pháp gia tăng.

Trang web của Quốc hội Ba Lan cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng biên phòng Ba Lan đã ngăn chặn 9.287 lượt người tìm cách vượt biên từ Belarus sang nước này, trong đó riêng hai tháng 8 và 9, có tới 8.000 lượt người bị ngăn chặn. 

Theo người phát ngôn Chính phủ Ba Lan Piotr Muller, hiện có từ 3.000-4.000 người di cư không có giấy tờ trên biên giới Belarus - Ba Lan. Trước đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 8-11 đã phải hoãn chuyến thăm Slovakia do tình hình căng thẳng ở biên giới với Belarus. Ba Lan đang lên kế hoạch chi khoảng 410 triệu USD để xây dựng bức tường ở biên giới với Belarus nhằm đối phó dòng người di cư ồ ạt này. 

Tình hình cấp bách buộc Đức, nước láng giềng của Ba Lan, phải hối thúc EU hành động, tránh để xảy ra tình trạng người di cư vào Ba Lan rồi từ đó đi khắp các nước thành viên EU, trong đó có Đức.

Giới chức Đức cho biết, riêng trong tháng 10 vừa qua, số người di cư tới nước này thông qua con đường trên là gần 5.000 người.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Bild, Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Đức Horst Seehofer khẳng định: “Ba Lan hay Đức không thể một mình giải quyết vấn đề này. Chúng ta phải giúp Chính phủ Ba Lan đảm bảo an ninh biên giới của họ. Đây thực sự là nhiệm vụ của Ủy ban châu Âu (EC). Tôi đang kêu gọi họ hành động”. Theo ông Seehofer, Ba Lan xây dựng bức tường biên giới là việc nên làm. 

Không chỉ Ba Lan, Litva và Latvia cũng phải đương đầu với dòng người nhập cư trái phép. Kể từ mùa hè 2021, cả 3 nước thành viên EU này đã chứng kiến hàng ngàn người di cư từ Trung Đông và châu Phi tìm cách nhập cư vào EU.

Nhập cư trái phép vào EU từ lâu đã là vấn đề nan giải, tuy nhiên, tình hình ngày càng trở nên gay gắt hơn sau khi chiến sự tại Syria bùng nổ vào năm 2011 sau đó là những cuộc xung đột kéo dài cùng tình trạng nghèo đói ngày càng tăng ở nhiều nước Trung Đông và châu Phi.

P.V (theo SGGP)
Bình luận
Back To Top