Nhiều quốc gia siết chặt hạn chế đi lại: Cần biện pháp chống dịch hài hòa

12:14 - Thứ Sáu, 03/12/2021 Lượt xem: 3847 In bài viết

Trước tốc độ lây lan nhanh của biến chủng SARS-CoV-2 mới mang tên Omicron (B.1.1.529), nhiều quốc gia đã triển khai các biện pháp hạn chế đi lại. Thực tế này khiến giới chuyên môn lo ngại sẽ ảnh hưởng lớn đến nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia cần có những biện pháp chống dịch hài hòa và toàn diện khi đối phó với các biến chủng mới.

Lo ngại trước nguy cơ từ biến chủng mới Omicron, nhiều quốc gia đã chọn cách hạn chế việc đi lại và đẩy mạnh sàng lọc, xét nghiệm đối với người nhập cảnh.

Sau gần một tuần kể từ ca ghi nhận đầu tiên ở Nam Phi, đến nay biến chủng Omicron đã xuất hiện ở hơn 20 nước. Lo ngại trước thực trạng này, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới, đồng thời áp đặt các lệnh hạn chế đi lại và kiểm soát gắt gao người nhập cảnh.

Cụ thể, việc đi lại giữa châu Âu và miền Nam châu Phi bị hạn chế suốt tuần vừa qua. Ngay sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi dừng tất cả liên kết vận tải hàng không với các địa điểm đã phát hiện biến chủng Omicron, Đức đã liệt Nam Phi và 7 quốc gia khác ở khu vực Nam châu Phi (Namibia, Zimbabwe, Botswana, Mozambique, Eswatini, Malawi, Lesotho) vào vùng có nguy cơ cao. Theo đó, các hãng hàng không chỉ được phép đưa công dân Đức và những người cư trú tại Đức về nước. Du khách nhập cảnh từ các khu vực có nguy cơ cao phải trải qua 14 ngày cách ly. Các chuyến bay thường xuyên từ Nam châu Phi tới Thụy Sĩ cũng bị đình chỉ vô thời hạn. Về phần mình, Anh cũng xếp các nước trong khu vực Nam châu Phi vào “danh sách đỏ”, mọi hành khách đến đều phải cách ly bắt buộc 10 ngày và tự trả mọi chi phí.

Tại châu Á, Hàn Quốc đã hạn chế cấp thị thực và hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ 8 nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi. Australia thậm chí “đóng cửa” đối với toàn bộ người đã từng đến và đi từ các quốc gia này. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng thông báo hạn chế du khách nhập cảnh từ 0h ngày 30-11 để phòng ngừa sự xâm nhập của biến chủng Omicron. Tại châu Mỹ, Canada chỉ cho công dân nước mình nhập cảnh, còn Mỹ lên kế hoạch yêu cầu du khách nhập cảnh vào nước này phải xét nghiệm một ngày trước khi khởi hành.

Ở Nam Mỹ, Brazil và Mexico đều “đóng băng” hoạt động đi lại tới Nam châu Phi và những nước đã xuất hiện biến chủng Omicron. Nhiều nước cũng tái áp đặt các quy định giãn cách xã hội, bao gồm cấm tụ tập đông người, đóng cửa nhà hàng và những khu vực có nguy cơ cao để ngăn chặn nguy cơ từ biến chủng mới.

Lý giải về việc phải sử dụng biện pháp “cực đoan” này, nhiều quốc gia cho rằng việc hạn chế đi lại nhằm kiểm soát tốt dịch lây lan. Theo đài DW của Đức, lệnh cấm du lịch được áp đặt ở Australia vào đầu đại dịch đã thể hiện hiệu quả trong việc giảm số ca lây nhiễm nhập cảnh, qua đó kìm hoãn dịch bùng phát.

Tuy nhiên, việc chỉ trong ít ngày đã có trên 70 quốc gia siết việc đi lại khiến giới chuyên môn lo ngại các tiến trình phục hồi kinh tế, đặc biệt lĩnh vực du lịch, có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng hạ dự báo kinh tế toàn cầu xuống 5,6%, thay vì 5,7% như trước khi biến chủng Omicron xuất hiện. Ủng hộ duy trì biên giới mở, WHO cho rằng, việc phong tỏa đi lại chỉ tạo ra gánh nặng đối với cuộc sống và sinh kế của người dân, đồng thời tác động tiêu cực đến các nỗ lực y tế toàn cầu. Việc phong tỏa, hạn chế đi lại sẽ khiến việc chia sẻ dữ liệu về dịch tễ và trình tự gen gặp nhiều khó khăn.

Theo các chuyên gia y tế, việc các nước cảnh giác trước các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 là điều cần thiết nhưng cũng không nên quá cực đoan. Trong lúc giới khoa học đang cố gắng tìm hiểu để đối phó với biến chủng mới, các quốc gia nên thực hiện đúng như khuyến cáo của WHO là “bình tĩnh, phối hợp và chặt chẽ”.

P.V (theo HNM)
Bình luận
Back To Top