Kinh tế châu Âu trước bước ngoặt tiêu cực

09:20 - Thứ Sáu, 11/11/2022 Lượt xem: 6043 In bài viết

Thời gian qua, nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) liên tục gánh chịu hậu quả từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis đã đưa ra cảnh báo, nền kinh tế EU đã đến một bước ngoặt tiêu cực, trong đó phần lớn động lực tăng trưởng "biến mất", lạm phát sẽ tăng ở mức cao hơn trong thời gian dài.

Nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu giảm mạnh là nguyên nhân khiến giá năng lượng liên tục gia tăng.

Số liệu của cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy trong tháng 10 vừa qua, tỷ lệ lạm phát hằng năm ở Khu vực đồng euro (Eurozone) đã đạt mức kỷ lục 10,7%. Tháng 10 cũng là tháng thứ tư liên tiếp khu vực Eurozone chứng kiến hoạt động trong lĩnh vực tư nhân suy giảm mạnh do khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến người tiêu dùng thận trọng hơn, làm ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu. Điều này một phần được thể hiện qua sự sụt giảm nhanh chóng của chỉ số Flash PMI (chỉ số quản trị mua hàng) tháng 10 xuống còn 47,1 so với 48,1 của tháng 9. Chỉ số này tương ứng với sự sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 0,2% trong quý IV-2022.

Trong số các nước thuộc Eurozone, Đức một lần nữa ghi nhận kết quả tồi tệ trong tháng 10 khi chỉ số Flash PMI giảm xuống mức 44,1, mức thấp nhất kể từ tháng 6-2009. Kinh tế Pháp cũng trong tình trạng tương tự khi chỉ số Flash PMI ở mức 50, mức thấp nhất trong 19 tháng. Theo số lượng 750 doanh nghiệp được Tập đoàn Tài chính S&P Global có trụ sở tại New York (Mỹ) khảo sát, giá cả tăng cao, điều kiện thị trường không thuận lợi và lượng hàng tồn kho cao là nguyên nhân khiến khách hàng ngừng các đơn đặt hàng mới.

Các chuyên gia kinh tế của Tập đoàn Tài chính S&P Global cảnh báo rằng, nguy cơ thu hẹp hoạt động kinh tế sẽ trở nên rõ ràng hơn nữa trong những tháng tới và chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực. Đức và Italia sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới và trở thành những nền kinh tế phát triển đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Thời gian qua, các quốc gia trong Eurozone đã chi khoảng 200 tỷ euro, tương đương 1,25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng và hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, việc mở rộng các chính sách tài khóa như vậy cũng làm tăng thêm áp lực lạm phát. Ủy ban châu Âu đã đề xuất bổ sung các gói hỗ trợ có mục tiêu cụ thể thay vì mở rộng chính sách tài khóa trên diện rộng.

Bên cạnh đó, EC cũng lo ngại về Đạo luật Giảm phát mới của Mỹ sẽ có tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư EU, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Cụ thể, chi phí năng lượng cao của châu Âu đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các công ty châu Âu và những lo ngại gói kích thích gần đây của Mỹ liên quan tới giảm lạm phát có thể sẽ gây hại thêm cho ngành công nghiệp của khối cũng như vi phạm tới Luật Cạnh tranh.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo triển vọng kinh tế châu Âu đang trở nên u ám hơn rất nhiều, khi tốc độ tăng trưởng ngày một chậm lại và lạm phát tiếp tục tăng. Sự suy yếu ở nhiều nền kinh tế châu Âu có thể sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái sâu hơn trên toàn khu vực, trong khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng xã hội. Nguy cơ lớn nhất trước mắt là sự gián đoạn nguồn cung năng lượng trong mùa đông. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt, thiếu lương thực và gây ra những tổn thương kinh tế sâu sắc hơn cho châu Âu.

Theo IMF, để kiểm soát tốc độ lao dốc của nền kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cần phải đi đúng hướng để vừa thành công trong nỗ lực chống lạm phát, đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top