Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực trở thành trung gian cung cấp khí đốt cho châu Âu:

Thúc đẩy “ngoại giao năng lượng”

08:53 - Thứ Năm, 24/11/2022 Lượt xem: 6324 In bài viết

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez mới đây thông báo, nước này sẽ hoàn thiện kế hoạch phát triển trung tâm phân phối khí đốt ở khu vực Thrace phía Tây quốc gia nằm giữa hai lục địa Á - Âu trước cuối năm 2022. Giới quan sát cho rằng, đây là nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tận dụng vị trí địa lý đặc thù để trở thành trung gian cung cấp khí đốt cho thị trường châu Âu, bất chấp nhiều khó khăn và thách thức đang đặt ra trước mắt.

Đường ống TurkStream có vai trò quan trọng trong sách lược “ngoại giao năng lượng” của Thổ Nhĩ Kỳ.

Những diễn biến mới tiếp tục cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng quyết liệt trong việc theo đuổi mục tiêu trở thành trung gian cung cấp khí đốt từ các nguồn cung tới châu Âu. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng từng hoan nghênh đối với đề xuất của người đồng cấp Nga Vladimir Putin về việc thành lập một trung tâm khí đốt quốc tế ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trung tâm này sẽ cho phép Nga chuyển tiếp khí đốt từ các đường ống dẫn khí Nord Stream đến khu vực Biển Đen. Theo các bình luận, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể trở thành trung gian trong việc bán khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong dài hạn, khi nước này đang nhập khẩu một lượng đáng kể khí đốt từ các nhà sản xuất lớn khác như Iran và Azerbaijan.

Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều thuận lợi để theo đuổi mục tiêu nói trên. Trước hết, quốc gia này nằm ở vị trí địa lý lý tưởng để cung cấp năng lượng cho châu Âu. Thứ hai, trên lãnh thổ nước này hiện có 7 đường ống dẫn khí đốt quốc tế từ Đông sang Tây, cùng 4 trạm đầu mối khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên đất liền và các kho chứa nổi. Nổi bật trong số này là TurkStream - đường ống dẫn khí đốt từ Nga, qua Biển Đen, đến vùng Thrace của Thổ Nhĩ Kỳ, hiện thậm chí chưa sử dụng hết công suất. Các chuyên gia năng lượng nhận định, khi cần thiết, TurkStream còn có thể mở rộng thêm hai đường ống với tổng khả năng vận chuyển 31 tỷ mét khối khí đến các khách hàng châu Âu, với kinh phí vào khoảng 10 tỷ USD. Blue Stream - một đường ống xuyên Biển Đen khác cũng có khả năng vận chuyển 16 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế - chính trị phức tạp hiện nay, việc đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua Biển Baltic bị hư hại sau sự cố hồi cuối tháng 9 vừa qua đã góp phần thúc đẩy vai trò mới của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng theo các ý kiến của giới phân tích, ngoài những lợi ích về kinh tế, việc triển khai hiệu quả “ngoại giao năng lượng”, trong đó tập trung cung cấp khí đốt của Nga cho Liên minh châu Âu (EU), sẽ biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một hành lang năng lượng an toàn trong những thời điểm nhạy cảm. Việc hiện thực hóa mô hình này, song song tích cực hỗ trợ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, sẽ mang lại đòn bẩy chiến lược cho nước này trong mối quan hệ với các thành viên EU.

Nhiều thuận lợi nhưng mong muốn của Ankara cũng đối mặt thách thức, mà nổi bật là làm thế nào giữ thế cân bằng trong mối quan hệ Đông - Tây, đang ngày càng trở nên bấp bênh. Đây là một thử thách khó khăn trong bối cảnh Hoa Kỳ liên tục thúc giục đồng minh có động thái rõ ràng trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào Nga. Ngoài ra, việc huy động nguồn kinh phí khổng lồ phục vụ mở rộng hạ tầng dự trữ, vận chuyển năng lượng cũng gặp nhiều rào cản trong bối cảnh cuộc bầu cử tiếp theo đang tới gần.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung phức tạp hiện nay, nếu có thể triển khai sách lược ngoại giao năng lượng một cách khéo léo với tầm nhìn dài hạn, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể trở thành một thế lực về năng lượng trong khu vực, đóng vai trò trung gian cung cấp khí đốt cho châu Âu trong dài hạn, qua đó không những củng cố vị thế quốc gia, mà còn bảo đảm được cuộc sống của người dân trong những thời khắc khó khăn.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top