EU phát triển hệ thống internet vệ tinh

15:59 - Thứ Năm, 24/11/2022 Lượt xem: 5076 In bài viết

Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận trị giá 6 tỷ EUR (tương đương 6,2 tỷ USD) xây dựng hệ thống internet vệ tinh nhằm thúc đẩy phát triển các lĩnh vực vũ trụ và viễn thông riêng của khối, qua đó giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. 

Theo Hãng tin Deutsche Welle, việc triển khai hệ thống internet vệ tinh riêng có thể giúp tăng tốc độ triển khai internet băng thông rộng ở châu Âu và cả châu Phi, mang lại lựa chọn thay thế về nhà cung cấp dịch vụ mạng cho các nước ở lục địa đen.

EU phát triển hệ thống internet vệ tinh. 

Để đảm bảo tài chính cho dự án này, EC sẽ phân bổ lại nguồn vốn 2,4 tỷ EUR (2,46 tỷ USD) và bổ sung khoản dự trữ từ các chương trình khác của EU, đồng thời huy động thêm 2,6 tỷ EUR (2,66 tỷ USD) từ khu vực tư nhân. Quá trình phát triển sơ bộ và triển khai vệ tinh có thể bắt đầu vào năm 2023. Hệ thống internet vệ tinh có thể là bước đệm cho kế hoạch của EU xây dựng và phóng tới 170 vệ tinh quỹ đạo thấp trong khoảng thời gian từ năm 2025-2027.

IRIS2 (cơ sở hạ tầng cho khả năng phục hồi, kết nối và bảo mật bằng vệ tinh) sẽ có những ưu điểm nổi bật như có thể sao lưu các mạng mặt đất trong trường hợp mất điện trên diện rộng hoặc thiên tai, cũng như giúp phủ sóng đến những khu vực xa xôi hẻo lánh mà không cần ăngten và cơ sở hạ tầng khác. Các kế hoạch xây dựng hệ thống internet vệ tinh của châu Âu, còn được gọi là chòm sao vệ tinh, lần đầu tiên được công bố vào tháng 2, trước khi nổ ra xung đột ở Ukraine. Trong những tháng sau đó, internet vệ tinh đã được chứng minh là hữu ích. Xung đột kéo dài, kết nối internet trên mặt đất của Ukraine bị ngắt. Tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk đã cung cấp cho quốc gia này quyền truy cập miễn phí vào vệ tinh Starlink của mình. Nhưng tháng trước, Elon Musk cho biết sẽ không tiếp tục cung cấp dịch vụ miễn phí và yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ thanh toán hóa đơn, một động thái khiến việc truy cập internet của Ukraine có khả năng lại gặp vấn đề.

Theo Nghị viện châu Âu, IRIS2 sẽ đảm bảo chủ quyền và quyền tự chủ của liên minh bằng cách đảm bảo ít phụ thuộc hơn vào cơ sở hạ tầng của nước thứ ba và cung cấp các dịch vụ liên lạc quan trọng, cho dù các mạng mặt đất bị gián đoạn, chẳng hạn như ở Ukraine. Mục tiêu chính của chương trình là cung cấp khả năng truy cập internet an toàn trong các tình huống khủng hoảng như các cuộc tấn công mạng và thảm họa thiên nhiên làm gián đoạn khả năng truy cập internet trên mặt đất. Các vệ tinh đa quỹ đạo cũng sẽ cung cấp kết nối băng thông rộng ở những nơi hiện không truy cập được internet ở châu Âu, vùng Bắc cực và châu Phi.

IRIS2 sẽ tham gia các hệ thống vệ tinh của EU là Galileo, chuyên về điều hướng và Kopernikus, chuyên quan sát trái đất. Cả hai đều đã bay vòng quanh thế giới từ cuối những năm 1990. Nếu diễn ra đúng kế hoạch, IRIS2 sẽ đánh dấu bước tiến mới của EU trong việc thiết lập hạ tầng chòm sao vệ tinh độc lập dành cho việc truy cập internet tốc độ cao. Trong tương lai, việc sử dụng internet tốc độ cao trong các lĩnh vực như xe tự lái, dịch vụ khẩn cấp hay vận tải hàng hải sẽ do vệ tinh cung cấp. Giới lãnh đạo EU cho rằng nếu khối này không xây dựng chòm sao vệ tinh độc lập thì sẽ phải chuyển giao dữ liệu thông qua các quốc gia khác, những nước vốn không chịu sự chi phối của luật pháp châu Âu. Theo giới chuyên gia phân tích, mặc dù hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trong lưu lượng truy cập internet toàn cầu, vốn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống cáp quang trên biển, nhưng trong trung hạn, truy cập internet qua hệ thống vệ tinh có thể trở thành cuộc cách mạng công nghệ. 

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top