Dự báo kinh tế toàn cầu năm 2023: Nhiều thách thức đợi chờ

08:29 - Thứ Sáu, 30/12/2022 Lượt xem: 7864 In bài viết

Các chuyên gia nhận định, kinh tế thế giới năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều thách thức, trong bối cảnh những xung đột vẫn tiếp diễn, lạm phát cao kỷ lục và các thảm họa do biến đổi khí hậu. Điều này đồng nghĩa các quốc gia sẽ phải gắng sức ứng phó linh hoạt, chủ động vượt qua khó khăn.

Kinh tế Trung Quốc phục hồi sẽ tạo động lực lớn cho nền kinh tế thế giới trong năm 2023.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở hầu hết các khu vực trên thế giới trong năm 2023, với dự báo giảm từ mức 3,2% trong năm 2022 xuống 2,7%. Mức giảm 0,5% này cũng tương đồng với dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB). WB cho rằng, nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái trong năm 2023 là hiển hiện và có thể kéo dài lâu hơn. Kịch bản tồi tệ nhất, các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái, trong khi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi giảm tăng trưởng. Khảo sát của Thời báo phố Wall (Mỹ) mới đây cũng ghi nhận khoảng 2/3 số người được hỏi cho biết họ lo ngại về một cuộc suy thoái trong năm 2023.

Khó khăn của năm tới nối dài những gập ghềnh mà kinh tế thế giới đối mặt trong năm 2022. Suốt nhiều tháng qua, không ít quốc gia chật vật với cuộc khủng hoảng tài chính vì lạm phát phi mã, chủ yếu do giá năng lượng và lương thực tăng vọt. Xung đột tại Ukraine bất ngờ nổ ra đã phá vỡ nhiều kịch bản kinh tế, khiến chính phủ và người dân nhiều nước đứng trước những lựa chọn khó khăn trong việc chi tiêu. Để ứng phó, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu tăng lãi suất, dù điều này có thể tạo ra nguy cơ suy thoái.

Bên cạnh yếu tố tài chính, bất ổn giá năng lượng nói chung và giá dầu nói riêng sẽ tiếp tục gây khó khăn. Theo các chuyên gia, tình hình thị trường năng lượng thời gian tới vẫn khó dự đoán, nhưng nhìn chung số đông ý kiến đều cho rằng giá dầu năm 2023 sẽ cao hơn hiện tại. Các nhà phân tích ở JP Morgan và Morgan Stanley dự báo, giá dầu sẽ ở mức trung bình hơn 90 USD/thùng trong năm 2023. Mức này khó giảm nếu Nga theo đuổi việc giảm nguồn cung dầu mỏ do đối mặt với lệnh áp giá trần; OPEC giảm sản lượng; nhu cầu dầu của Trung Quốc tăng mạnh phục vụ mở cửa trở lại; Mỹ bổ sung kho dự trữ dầu chiến lược…

Đáng chú ý, biến đổi khí hậu được cảnh báo sẽ tiếp tục gây ra những thiệt hại lớn đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm tới. Theo Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re, những thảm họa thiên nhiên và thảm họa do con người gây ra làm thiệt hại kinh tế khoảng 268 tỷ USD trong năm 2022. Để ứng phó, tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vừa qua, các chính phủ đã nhất trí thành lập quỹ để hỗ trợ các nước đang phát triển dễ bị tổn thương do thiên tai. Tuy nhiên, hội nghị lại kết thúc mà không có những cam kết mới về việc từng bước dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng nghĩa rủi ro cao vẫn tiềm ẩn phía trước.

Dĩ nhiên, bức tranh kinh tế năm 2023 không chỉ có những gam màu tối. Một yếu tố tích cực là việc Trung Quốc hiện đã triển khai lộ trình dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch Covid-19, qua đó “cởi trói” chuỗi cung ứng, thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch. Động thái này đưa đến hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trở thành động lực chính cho tăng trưởng của kinh tế toàn cầu tới đây. Cùng với đó, tín hiệu tích cực ban đầu về đàm phán chấm dứt xung đột tại Ukraine cũng đã xuất hiện, hứa hẹn cơ hội gỡ nút thắt phức tạp này trong năm tới.

Dù thế nào, chắc chắn rằng các nền kinh tế và các thị trường trên toàn cầu trong năm 2023 vẫn sẽ phải đối mặt với muôn vàn thách thức. Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước cần sớm vạch ra những đối sách thực sự hiệu quả, kết hợp chủ động ứng phó linh hoạt ở từng thời điểm, qua đó chèo lái nền kinh tế vượt qua khó khăn, bảo đảm đời sống cho người dân.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top