Chính phủ Pháp công bố cải cách lương hưu: Cuộc ‘’đại tu’’ gây tranh cãi

15:33 - Thứ Sáu, 13/01/2023 Lượt xem: 9011 In bài viết

Chính phủ Pháp đang lên kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm lên 64 tuổi vào năm 2030. Đề xuất này, cùng với thông báo về một cuộc “đại tu” hệ thống lương hưu, dự kiến sẽ gây tranh cãi khi vấp phải nhiều sự phản đối của công chúng.

Công nhân vận hành máy đóng hộp sản phẩm chè tại nhà máy ở Gemenos (Pháp).

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne hôm 10-1 đã công bố một số chi tiết trong “Dự luật cải cách hệ thống hưu trí mới”, theo đó, tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng dần lên từ ngày 1-9-2023 với tỷ lệ tăng là 3 tháng cho mỗi năm tuổi. Tới năm 2027, tuổi nghỉ hưu sẽ là 63 và ở mức 64 tuổi vào năm 2030. Để được hưởng chế độ hưu trí đầy đủ, kể từ năm 2027, công dân Pháp sẽ phải có thời gian làm việc và đóng bảo hiểm xã hội đủ 43 năm hoặc 44 năm đối với những người lao động trước tuổi 15, nghĩa là đều tăng hơn 2 năm so với quy định hiện nay. Những trường hợp không đủ thâm niên công tác sẽ phải làm việc đến năm 67 tuổi.

Dự luật cải cách hưu trí cũng chấm dứt các chế độ nghỉ hưu sớm đối với người lao động trong một số lĩnh vực và tổ chức như ngành đường sắt, điện, khí đốt, Ngân hàng Trung ương Pháp... Những người từng làm việc ở "những vị trí nguy hiểm" - như cảnh sát và lính cứu hỏa sẽ được nghỉ hưu sớm hơn ở độ tuổi 62. Lương hưu tối thiểu sẽ được nâng lên 1.200 euro cho toàn bộ người về hưu. Dự luật cải cách hưu trí mới sẽ giúp hệ thống hưu trí đang thâm hụt khoảng 17 tỷ euro có thể cân bằng trở lại vào năm 2030. Người đứng đầu chính phủ Pháp cho biết sẽ đưa ra nhiều chính sách hơn nữa để giữ chân người lao động cao tuổi trong lực lượng lao động.

Trước tình trạng dân số già đi và ngân sách các quỹ hưu bổng ngày càng bị thâm hụt, từ khoảng 30 năm qua, các chính phủ Pháp kế tiếp nhau đã nhiều lần cải tổ hệ thống lương hưu. Mỗi lần cải tổ theo hướng kéo dài thời gian làm việc đều gây ra các phong trào biểu tình phản đối, đình công. Với quan niệm thường được nhắc đi nhắc lại rằng người Pháp "cần phải làm việc nhiều hơn", kể từ năm 2017, Tổng thống Emmanuel Macron kiên quyết khẳng định hệ thống lương hưu phải được sắp xếp hợp lý. Tuy nhiên, những đề xuất ban đầu của ông đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình và đình công trong ngành Giao thông ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Tổng thống E.Macron đã tạm dừng triển khai sáng kiến này khi ông ra lệnh phong tỏa nước Pháp chống dịch vào đầu năm 2020. Dù vậy, ông đã đặt vấn đề cải cách lương hưu làm trọng tâm trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai vào tháng 4 năm ngoái trong bối cảnh kinh tế đã thay đổi hoàn toàn. Lạm phát đang ở mức cao nhất, đạt 5,9% vào tháng 12-2022 so với cùng kỳ năm trước; giá lương thực đã tăng mạnh 12,9% trong cùng kỳ; giá năng lượng đã tăng 15,1%.

Trong khi chính phủ của Tổng thống E.Macron coi động thái này là rất quan trọng để ngăn chặn hệ thống lương hưu không bị sụp đổ vì thâm hụt, thì phía các nghiệp đoàn lại cho rằng cải cách là không công bằng và không cần thiết. Một cuộc thăm dò của Odoxa cho thấy cứ 5 công dân thì có 4 người phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu. Ngay sau khi dự luật cải cách được công bố, 8 nghiệp đoàn lớn nhất của Pháp đã phát động các cuộc biểu tình và đình công lớn vào ngày 19-1 tới. Lãnh đạo các đảng đối lập cánh tả, cực tả và cực hữu đồng loạt chỉ trích kế hoạch cải tổ hưu trí của chính phủ là bất công và phi lý.

Cuộc “đại tu” của Tổng thống E.Macron sẽ là một trong những cải cách sâu rộng nhất trong một loạt cải cách lương hưu nhằm chấm dứt tình trạng thiếu hụt ngân sách. Những đề xuất thay đổi mới sẽ được Quốc hội Pháp xem xét vào đầu tháng tới, và dự đoán sẽ không dễ dàng được thông qua. Do đó, không loại trừ khả năng Thủ tướng E.Borne thêm một lần nữa phải vận dụng đặc quyền tại điều 49.3 trong Hiến pháp để thông qua.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top