EU cấm nhập khẩu các nhiên liệu tinh chế từ Nga: Nguy cơ gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu

07:46 - Thứ Ba, 07/02/2023 Lượt xem: 5042 In bài viết

Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa gia tăng áp lực lên nguồn thu từ dầu mỏ của Nga khi từ ngày 5-2, bắt đầu cấm nhập khẩu các nhiên liệu tinh chế từ Mátxcơva. Động thái này có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu, đặc biệt là dầu diesel - nguồn nhiên liệu quan trọng của nền kinh tế thế giới.

Nga thà cắt giảm sản lượng dầu hơn là đồng ý với bất kỳ mức giá trần nào. Trong ảnh: Nhà máy diesel tại mỏ dầu Yarakta, vùng Irkutsk (Nga).

Là một phần trong gói trừng phạt thứ sáu của EU đối với Nga, được thông qua vào tháng 6-2022, biện pháp cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga có hiệu lực cùng lúc với biện pháp áp giá trần các sản phẩm này mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra, qua đó mở rộng lệnh cấm các hoạt động vận chuyển dầu Nga bằng đường biển vốn có hiệu lực từ ngày 5-12-2022, trong khi các biện pháp nhắm vào các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga được áp dụng từ ngày 5-2-2023.

Biện pháp mới cấm các tàu của EU chở các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga nếu không được mua bán ở hoặc dưới mức giá trần đặt ra, cũng áp dụng với các công ty hỗ trợ kỹ thuật, môi giới hoặc tài chính như các công ty bảo hiểm cho các hãng vận chuyển dầu mỏ tinh chế của Nga. Mức phạt với công ty vi phạm có thể lên đến 5% doanh thu toàn cầu. Các nước EU, G7 và Australia cũng đã đạt được thỏa thuận về mức giá trần sẽ áp dụng đối với các sản phẩm dầu của Nga kể từ ngày 5-2.

Các nhà phân tích cho rằng, lệnh cấm vận sắp tới của EU đối với các sản phẩm xăng, dầu của Nga sẽ phức tạp hơn và rắc rối hơn so với những gì đã xảy ra trước đây. Nhà phân tích của Economist Intelligence Unit (EIU) Matthew Sherwood nhận định với CNBC rằng: “Chúng tôi dự kiến sẽ có một số gián đoạn, đặc biệt là ngay sau lệnh cấm khi các thị trường EU tiếp tục sắp xếp các nguồn cung cấp thay thế. Điều này sẽ gây áp lực tăng giá đối với các sản phẩm dầu mỏ nói chung”.

Nhóm nghiên cứu của EIU dự báo một số thay đổi trong dòng chảy phân phối dầu, với việc Mátxcơva gửi nhiều dầu hơn đến Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi và châu Âu tăng cường nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ. Vào tháng 12-2022, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho biết, nguồn cung sẽ được chuyển hướng đến châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, đồng thời nói thêm rằng, Mátxcơva thà cắt giảm sản lượng dầu hơn là đồng ý với bất kỳ mức giá trần nào. Tuy nhiên, việc vận chuyển các sản phẩm dầu của Nga bằng đường biển được cho là khó khăn hơn vì các tàu chở dầu phải được làm sạch khi chuyển từ chở nhiên liệu này sang nhiên liệu khác.

Nga đã trả đũa các biện pháp của phương Tây được thực hiện vào cuối năm 2022 bằng cách cấm bán dầu cho các quốc gia tuân thủ giá trần. “Một khi lệnh cấm vận của EU đối với xuất khẩu nhiên liệu đường biển của Nga có hiệu lực, chúng ta có thể thấy giá xăng và đặc biệt là dầu diesel vẫn được hỗ trợ bằng cách thắt chặt nguồn cung”, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo Ole Hansen cho biết trong một báo cáo nghiên cứu. Do các công ty ở EU, Vương quốc Anh và Na Uy có thị phần đáng kể trong ngành vận tải biển và bảo hiểm hàng hải toàn cầu, gói trừng phạt thứ sáu làm dấy lên lo ngại rằng những lệnh trừng phạt đó có thể hạn chế nghiêm trọng dòng chảy dầu mỏ từ Nga và khiến giá dầu toàn cầu tăng lên.

Lệnh cấm của EU cũng làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng chuỗi cung ứng có thể gián đoạn. Hơn nữa, nhiều khả năng nguồn cung dầu năm 2023 không đáp ứng đủ nhu cầu khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu và các đối tác (OPEC+) vẫn giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng. Biện pháp này có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng và tình trạng lạm phát trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời gây thêm nguy cơ suy thoái cho nền kinh tế thế giới.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top