Châu Âu cấm xe chạy xăng, dầu diesel vào năm 2035: Vì một Lục địa già ''không phát thải''

14:09 - Thứ Sáu, 17/02/2023 Lượt xem: 4479 In bài viết

Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu thông qua lệnh cấm bán xe chạy xăng và dầu diesel từ năm 2035, đặt ra thời hạn rõ ràng cho các hãng sản xuất ô tô của châu Âu xúc tiến lộ trình chuyển đổi sang sản xuất xe điện, góp phần hiện thực hóa tham vọng về một Lục địa già "không phát thải".

Kiểm tra chất lượng ô tô điện Mercedes-Benz EQS trước khi xuất xưởng tại Nhà máy Sindelfinge (Đức).

Được "bật đèn xanh" với 340 phiếu thuận và 279 phiếu chống, lệnh cấm bán ô tô xăng và dầu diesel từ năm 2035 là bước quan trọng cuối cùng trong một tiến trình dài hơi của châu Âu nhằm xanh hóa hạ tầng giao thông, đưa Liên minh châu Âu (EU) trở thành nền kinh tế "trung hòa khí thải", tức không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, vào năm 2050. Tới đây, văn bản sẽ được ban hành thành luật, tạo ra làn sóng tác động lớn tới ngành công nghiệp ô tô không chỉ trên Lục địa già, mà còn ở quy mô toàn cầu.

Theo quy định mới, đến năm 2030, lượng khí thải CO2 từ những chiếc xe mới được bán tại thị trường EU sẽ phải giảm 55% so với mức của năm 2021 (với xe tải nhẹ là 55%). Đến năm 2035, mức giảm phải đạt 100% - đồng nghĩa rằng xe chạy xăng, dầu diesel không còn được bán mới. Các điều khoản để ngỏ cơ hội phát triển cho các hình thái động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu tổng hợp, nhiên liệu hydro.

Theo giới chuyên môn, việc triển khai quy định mới có thuận lợi, bởi đây vốn là hệ quả của một tiến trình đàm phán dài hơi, cơ bản đã đạt được đồng thuận giữa các quốc gia thành viên cũng như các nhà sản xuất ô tô. Thực tế, vài năm qua, thông qua nhiều khung hợp tác và các thỏa thuận, nhiều nước và các nhà sản xuất ô tô trong khối đã đưa ra những cam kết chắc chắn về định hướng phát triển phương tiện giao thông xanh. Tại châu Âu, hầu hết các hãng ô tô lớn đều đã có thời gian chuẩn bị, coi đây là hướng đi tất yếu cho tương lai.

Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn hiển hiện. Trước hết, với nhiều quốc gia, ô tô điện chưa thể coi là phương tiện “sạch”, bởi việc khai thác tài nguyên phục vụ sản xuất - đặc biệt là pin và các loại chip bán dẫn - chưa thân thiện với môi trường. Ngay cả khi có thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại, nguồn điện cho xe chưa thân thiện môi trường, khi chủ yếu là nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân... Nói cách khác, lợi ích “xanh” từ ô tô điện mới dừng lại ở việc giúp các quốc gia giảm phát thải ở đô thị, giảm phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó, quá trình chuyển đổi trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng ô tô điện đương nhiên kéo theo hàng loạt thay đổi về cơ cấu việc làm và lương hưu, nhu cầu lao động tay nghề cao… Đây đều là những vấn đề khó giải quyết đối với EU nói riêng và toàn cầu nói chung ở thời điểm nhiều khó khăn như hiện nay. Về phần mình, không phải mọi hãng xe đều hội tụ đủ các điều kiện về tài chính, năng lực công nghệ, hạ tầng sản xuất, nhóm khách hàng sở trường… để đáp ứng ngay yêu cầu sản xuất sản phẩm điện hóa.

Không ít ý kiến còn nhận định, việc chuyển đổi sẽ gây khó cho ngành công nghiệp ô tô EU trong việc duy trì vị thế các thương hiệu “cây nhà lá vườn”. Trung Quốc - quốc gia được mệnh danh là cái nôi của ô tô điện - đã tung ra thị trường quốc tế 80 mẫu xe điện từ năm ngoái đến cuối năm nay. Cùng với đó, sản phẩm điện hóa mới có chất lượng tốt và giá thành hợp lý từ các hãng xe của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… đều sẽ trở thành thách thức lớn với ô tô châu Âu.

Dù thế nào, thực tế lộ trình “xanh” đã rõ ràng, và giờ là lúc các nhà sản xuất ô tô cũng như các cơ quan quản lý của châu Âu cần tích cực hợp tác để hiện thực hóa các quy định mới dựa trên cơ sở cân bằng hài hòa giữa lợi ích của người dân, sức khỏe nền kinh tế, tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ môi trường.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top