''Khoảng trống'' trên thị trường tiêu dùng Nga: Cơ hội đi kèm thách thức

09:18 - Thứ Tư, 01/03/2023 Lượt xem: 4690 In bài viết

Một năm sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, hàng loạt các thương hiệu phương Tây đã dừng hoạt động tại xứ Bạch dương. Khoảng trống sau khi các doanh nghiệp phương Tây rời đi đã mở ra cơ hội “vàng” cho những tên tuổi mới nhưng cũng đặt ra một số thách thức trên thị trường tiêu dùng Nga.

Một cửa hàng trong chuỗi kinh doanh của H&M tại Nga ở trạng thái dừng hoạt động.

Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga diễn ra ở Ukraine, phương Tây đã tăng cường áp lực trừng phạt chống lại Mátxcơva. Nhiều thương hiệu lớn đã rời khỏi Nga, trong đó có thể kể tới McDonald, Starbucks ở lĩnh vực ăn uống; Adidas, Nike, Uniqlo ở lĩnh vực thời trang; BP, Exon trong lĩnh vực năng lượng; Apple, IBM, Intel ở lĩnh vực công nghệ; Ikea trong lĩnh vực nội thất; Ford, Nissan, Peugeot… trong lĩnh vực ô tô.

Hệ quả là sự trỗi dậy của hàng loạt các gương mặt mới, hầu hết là doanh nghiệp từ các "quốc gia thân thiện", các nước láng giềng của Nga. Theo dữ liệu thống kê mới nhất, hãng điện thoại Xiaomi và nhà sản xuất ô tô Geely của Trung Quốc nằm trong số những công ty tăng trưởng đột biến gần đây. Tháng 12-2021, sản phẩm Trung Quốc chiếm khoảng 40% thị trường điện thoại thông minh Nga. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, con số này đã vọt lên chiếm 95% thị phần. Về phần mình, Samsung và Apple - thay vì ở vị trí số một và hai như thường lệ - đã chứng kiến tổng thị phần giảm từ 53% xuống 3%.

Thực trạng tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực ô tô. Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu như Renault của Pháp, hay Hyundai và KIA của Hàn Quốc rút khỏi Nga đã mở đường để các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như Chery và Great Wall Motor lọt vào nhóm 10 thương hiệu xe bán chạy nhất năm 2022. Theo nhà cung cấp dữ liệu Autostat, người dân Nga đã mua lượng ô tô Trung Quốc nhiều kỷ lục trong năm 2022, giúp doanh số nhóm sản phẩm này tăng 7%, lên 121.800 xe.

Không chỉ thương hiệu nước ngoài hưởng lợi, mà khoảng trống sau khi các doanh nghiệp phương Tây rời đi còn mở ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Nga. Đơn cử, thương hiệu ô tô lâu đời Lada của xứ Bạch dương đã chứng kiến thị phần tăng từ 22% lên 28% trong năm 2022. Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội hiếm có, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Cơ quan Sáng kiến chiến lược nước này xây dựng hệ thống lựa chọn và quảng bá các thương hiệu nội địa có triển vọng, hỗ trợ họ trở thành các doanh nghiệp tầm cỡ.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, “khoảng trống” nói trên cũng tạo ra không ít rủi ro, mà nổi bật là cung bất ngờ không đủ cầu ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội và làm đứt gãy các tiến trình phát triển. Thực tế, Nga đã phải triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nhu cầu của người dân giai đoạn hiện nay, trong đó có chính sách “nhập khẩu song song”, cho phép hàng hóa phương Tây được đưa vào từ các nước láng giềng. Cơ chế này cho phép các nhà bán lẻ lớn tiếp tục bán các sản phẩm như điện thoại của Samsung và Apple, dù “chính hãng” đã rút khỏi thị trường. Ngoài ra, cũng phải kể tới việc các thương hiệu lớn vắng bóng dẫn tới làn sóng những sản phẩm “nhái”, sản phẩm nhập lậu...

Một câu hỏi là liệu thị trường tiêu dùng tại Nga có duy trì trạng thái “không phương Tây”, nhất là nếu xung đột Ukraine khép lại? Những nhà sản xuất phương Tây hoàn toàn có cơ hội quay lại khôi phục hoạt động, lấy lại doanh số. Dù họ sẽ cần nhiều thời gian để tái thiết lập chuỗi cung ứng, nhưng áp lực cạnh tranh là không nhỏ. Nói cách khác, các thương hiệu "trám chỗ trống" có thể giành được thị phần trước mắt là một thành tựu, nhưng giữ được về lâu dài sẽ là thử thách lớn.

Nhìn chung, thị trường tiêu dùng tại Nga đang ở giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ và những thương hiệu tiếp cận nhanh với thị trường Nga sẽ có nhiều cơ hội thành công. Nhưng về lâu dài, họ cần có những chiến lược hợp lý để có được chỗ đứng thực sự bền vững ở một trong những thị trường lớn và quan trọng bậc nhất của thế giới.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top