WHO cùng đối tác nỗ lực đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em

14:51 - Thứ Tư, 26/04/2023 Lượt xem: 3353 In bài viết

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNIFEC), Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Quỹ Bill & Melinda Gates cùng nhiều đối tác y tế toàn cầu và quốc gia chung tay phối hợp trong nỗ lực đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em.

Thông qua lời kêu gọi “The Big Catch-up”, WHO cùng các đối tác hướng đến mục tiêu đảo ngược tình trạng sụt giảm tỷ lệ tiêm chủng trẻ em được ghi nhận ở hơn 100 quốc gia kể từ khi Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn thế giới.

Đại dịch toàn cầu là nguyên nhân khiến các dịch vụ y tế quá tải và gây gián đoạn chuỗi cung ứng vật tư y tế. Trong thời kỳ đại dịch, nhiều cộng đồng bị phong tỏa, gây khó khăn cho hoạt động đi lại và tiếp cận các dịch vụ y tế, trong khi các nguồn lực tài chính và nhân lực cũng gặp nhiều hạn chế. Những thách thức hiện tại như tình trạng xung đột, khủng hoảng khí hậu và sự do dự đối với việc tiêm vắc xin cũng góp phần khiến tỷ lệ tiêm chủng suy giảm. 

Tính riêng năm 2021, hơn 25 triệu trẻ em thiếu ít nhất một mũi tiêm chủng, khiến những căn bệnh có thể phòng ngừa như sởi, bạch hầu, bại liệt và sốt da vàng bùng phát nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến hệ thống y tế quốc gia.

Ảnh minh họa: UNICEF

Kế hoạch của WHO và đối tác kêu gọi các quốc gia thể hiện vai trò trong nỗ lực ngăn ngừa sự sụt giảm tiêm chủng ở trẻ em, tập trung đặc biệt vào 20 quốc gia với 3/4 số trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ trong năm 2021.

Dù mức độ bao phủ tiêm chủng toàn cầu đã giảm, thế giới vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. Các báo cáo cho thấy, hoạt động tiêm chủng thiết yếu tại Ấn Độ đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, trong khi Uganda cũng duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trong thời kỳ đại dịch. Tại Kenya, nỗ lực phối hợp giữa các nhân viên y tế cộng đồng phối hợp và lãnh đạo địa phương đã cải thiện mức độ tiêm chủng đối với cộng đồng du mục ở phía Bắc.

Để đảm bảo tiến trình tiêm chủng cho trẻ em, các đối tác đang hợp tác với nhiều quốc gia để tăng cường lực lượng chăm sóc sức khỏe, cải thiện dịch vụ y tế, xây dựng niềm tin và nhu cầu về vắc xin trong cộng đồng, đồng thời giải quyết những trở ngại trong khôi phục tỷ lệ tiêm chủng. 

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, hàng triệu trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt ở những quốc gia thu nhập thấp, đã bỏ lỡ các mũi vắc xin thiết yếu. WHO đang hỗ trợ hàng chục quốc gia khôi phục tỷ lệ tiêm chủng và các dịch vụ y tế để ngăn ngừa nguy cơ trẻ em tử vong vì những căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết, các mũi vắc xin cơ bản là bước đầu tiên trẻ em được tiếp cận với hệ thống y tế. Vì vậy, những trường hợp không được tiêm vắc xin sớm sẽ dễ bị tổn thương hơn trước các đợt bùng phát dịch bệnh chết người.

Giám đốc điều hành GAVI Seth Berkley cũng nhận định, thế giới không thể để hậu quả của đại dịch Covid-19 hủy hoại những nỗ lực bảo vệ trẻ em trong nhiều năm qua. Các đối tác y tế toàn cầu, các chính phủ và cộng đồng phải làm mọi điều có thể để bảo vệ cuộc sống của trẻ em.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top