WB kêu gọi tăng trưởng toàn diện để khai phá tiềm năng của Nam Á

08:50 - Thứ Năm, 11/05/2023 Lượt xem: 4435 In bài viết

Bản cập nhật kinh tế khu vực mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy, Nam Á đã hứng chịu một loạt cú sốc chưa từng có trong 3 năm qua và việc chuyển từ phục hồi sang tăng trưởng đòi hỏi sự phát triển toàn diện của nền kinh tế.

Báo cáo “Mở rộng cơ hội: Hướng tới tăng trưởng toàn diện” là chủ đề của hội nghị do Viện Quản trị và Phát triển BRAC (BIGD) và WB tổ chức nhằm mục đích thảo luận về triển vọng kinh tế của khu vực Nam Á.

WB cho biết, sự tăng trưởng kinh tế bền vững ở Nam Á trong hai thập kỷ qua đã giúp khoảng 250 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực và cải thiện mức sống. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế không mang lại lợi ích đồng đều cho tất cả các nhóm và tiến bộ xã hội vẫn khó nắm bắt.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Bangladesh và Bhutan Abdoulaye Seck lưu ý, các quốc gia Nam Á cần tiếp tục giảm bớt sự chênh lệch về kinh tế - xã hội vì sẽ dẫn đến những khác biệt trong khả năng tiếp cận việc làm, thu nhập, tiêu dùng và phúc lợi, đồng thời tác động đến tăng trưởng chung.

Ảnh minh họa: Reuters

Hans Timmer, nhà kinh tế trưởng của WB tại Nam Á, nhận định, giảm bất bình đẳng về cơ hội và tăng cường dịch chuyển kinh tế ở Nam Á là rất quan trọng vì đây là một phần thiết yếu của việc mở rộng cơ sở thuế.

Do đó, việc loại bỏ những trở ngại đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế không chỉ đơn thuần là một chương trình nghị sự dài hạn, mà nên là một phần trọng tâm của các chương trình cải cách hiện tại nhằm mục đích làm cho triển vọng tài chính bền vững hơn và giúp Nam Á phát huy hết tiềm năng.

Để đạt được mục tiêu này, WB khuyến nghị tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học, mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục trung học và đại học, đánh giá và tăng cường các chính sách hành động tích cực nhắm vào các nhóm cơ hội thấp, cũng như những chính sách cải thiện môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, việc giảm bớt các rào cản đối với dịch chuyển lao động có thể tạo tác động cân bằng mạnh mẽ vì những khu vực thành thị có xu hướng mang lại nhiều cơ hội hơn cho dịch chuyển xã hội.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top