Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất lên mức cao nhất trong gần 15 năm

15:53 - Thứ Sáu, 12/05/2023 Lượt xem: 3363 In bài viết

Ngày 11/5, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, lên mức 4,5%, mức cao nhất trong gần 15 năm.

Ngân hàng Trung ương Anh quyết định tăng lãi suất lên mức 4,5%, mức cao nhất trong gần 15 năm. (Ảnh: Reuters)

Đây là lần tăng lãi suất thứ 12 liên tiếp tại cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của BoE kể từ tháng 12/2021 trong nỗ lực ngăn chặn đà lạm phát hiện ở mức 10,1%. Tại kỳ họp trước đó, MPC đã cũng tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, lên mức 4,25%.

MPC cho biết, quyết định tăng lãi suất là cần thiết để kiểm soát lạm phát, đồng thời cảnh báo nếu có bằng chứng về lạm phát dai dẳng, việc thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ sẽ là cần thiết.

Phát biểu với báo giới sau khi BoE thông báo về việc tăng lãi suất, Thống đốc BoE, ông Andrew Bailey cho biết: “Chúng tôi buộc phải tiếp tục duy trì lộ trình tăng lãi suất để đảm bảo lạm phát trở lại mức mục tiêu là 2%”.

Mặc dù vậy, BoE cho biết việc tăng lãi suất từ 0,1% vào tháng 12/2021 lên 4,5% hiện nay vẫn chưa ảnh hưởng lớn tới các hộ gia đình khi chỉ có 30% số hộ chịu tác động hoàn toàn từ động thái này. Trong khi đó, thị trường tài chính dự báo chi phí cho vay sẽ tiếp tục tăng, và có thể lên mức gần 5%.

BoE cũng nâng mức dự báo lạm phát trong ngắn hạn cao hơn nhiều so với dự báo trước đó, kỳ vọng lạm phát sẽ giảm từ mức 10,1% hiện nay xuống 5,1% vào quý IV/2023, thay vì mức 3,9% được dự báo trước đó.

Tỷ lệ lạm phát của Vương quốc Anh trong tháng 3 vừa qua đã đạt mức cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp và phát triển hàng đầu thế giới (G7), với giá tiêu dùng tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, và cao gấp đôi so với ở Mỹ.

BoE nhận định mục tiêu giảm lạm phát xuống dưới mức 2% trong vòng 1 năm chỉ có thể đạt được vào đầu năm 2025 sau cuộc tổng tuyển cử.

Tăng lãi suất là giải pháp mà nhiều Ngân hàng Trung ương thực hiện để kiềm chế tốc độ tăng của lạm phát hiện đã lên mức kỷ lục ở nhiều nước. Trước đó, ngày 3/5 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã quyết định tăng lãi suất cho vay thêm 0,2% trong nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát, bất chấp những bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của FED kể từ tháng 3/2022.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đã thúc giục FED ngừng tăng lãi suất vì cho rằng sự hỗn loạn của thị trường ngân hàng gần đây do tác động của việc FED liên tiếp tăng lãi suất.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 4/5 cũng đã công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%, lên mức 3,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 7 liên tiếp của ECB kể từ tháng 7/2022 để ứng phó với lạm phát cao kéo dài.

Quyết định này được đưa ra sau khi số liệu lạm phát được công bố cho thấy tỷ lệ lạm phát toàn phần tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức 7% trong tháng 4. Đồng thời, lạm phát cơ bản (loại trừ giá lương thực và năng lượng) đã giảm nhẹ xuống mức 5,6%.

Trong các dự báo gần đây nhất, ECB cho rằng lạm phát tại Eurozone sẽ ở mức trung bình 5,3% vào năm 2023, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% mà ngân hàng đề ra. Sau đó, lạm phát dự báo sẽ giảm xuống 2,9% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top