Argentina lưu hành đồng tiền mệnh giá mới: “Vật lộn” với lạm phát

08:56 - Thứ Năm, 25/05/2023 Lượt xem: 5834 In bài viết

Tiền giấy mệnh giá mới 2.000 peso của Argentina - mệnh giá tờ tiền lớn nhất của nước này vừa được đưa vào lưu hành. Động thái này diễn ra khi Argentina đang phải “vật lộn” đối phó với lạm phát ở mức ba con số khiến tiền tệ mất giá nghiêm trọng và chi phí sinh hoạt tăng cao kỷ lục.

Argentina đang trải qua tình trạng lạm phát tồi tệ nhất kể từ năm 1991.

Tờ 2.000 peso mới được Ngân hàng Trung ương Argentina (ACB) đưa vào lưu hành được định giá bởi Chính phủ Argentina là tương đương 8,5 USD. Thế nhưng tính theo tỷ giá trên thị trường chợ đen, nó chỉ có giá trị khoảng 4 USD. Trong tuyên bố ngày 22-5 vừa qua, ACB cho biết, tiền giấy mệnh giá 2.000 peso sẽ cải thiện hoạt động của các cây ATM và tối ưu hóa lượng tiền mặt lưu thông. Bên cạnh đó, tờ tiền mệnh giá cao này cũng giúp giảm áp lực đối với các kho trữ tiền của ngân hàng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và khách du lịch thanh toán bằng tiền mặt.

Trong năm nay, đồng peso đã mất giá tới 25% so với đồng USD, bất chấp những nỗ lực kiểm soát nguồn vốn của Chính phủ. Hầu hết người dân Argentina mua USD ở các thị trường phi chính thức với tỷ giá hơn 480 peso/1 USD thay vì 235 peso theo tỷ giá niêm yết. Việc đồng tiền của nước này mất giá nhanh chóng đã gây ra cơn ác mộng cho cả người dân, doanh nghiệp và ngân hàng. Trên thực tế, chỉ số giá tiêu dùng của Argentina đã tăng 109% trong tháng 4-2023, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1991 khi nước này thoát khỏi thời kỳ siêu lạm phát.

Trước đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước, Argentina thuộc nhóm 10 nước có GDP bình quân cao nhất thế giới. Tuy nhiên, kể từ thập niên 50, nước này liên tiếp chìm trong suy thoái và vỡ nợ. Argentina thường xuyên phải vật lộn với giá cả tăng trong suốt 50 năm qua. Những năm 1980, lạm phát tại nước này lên tới mức không tưởng là 3.000%. Từ năm 2008, quốc gia này ghi nhận lạm phát trên 30% mỗi năm.

Vấn đề được các nhà kinh tế chỉ ra là Argentina đang chi nhiều hơn thu. Y tế, giáo dục, năng lượng, dịch vụ công được trợ giá mạnh hoặc miễn phí. Và, để bù đắp thiếu hụt, quốc gia này đã gia tăng việc in tiền. Phải đến cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Lao động Argentina Sergio Massa mới dừng việc yêu cầu Ngân hàng Trung ương in thêm tiền.

Lạm phát cao kỷ lục đã đẩy một phần tư số người dân Argentina vào cảnh nghèo đói, cùng với nợ chu kỳ và khủng hoảng tiền tệ. Tình hình khó khăn của nền kinh tế trở nên nghiêm trọng hơn do đợt hạn hán lịch sử năm 2022. Người dân không muốn giữ đồng peso đang mất giá với tốc độ chóng mặt nên ồ ạt đi mua USD.

Trong nỗ lực giải quyết tình trạng lạm phát gia tăng đáng báo động, ngày 15-5 vừa qua, ACB đã nâng lãi suất tham chiếu lên 97% với hy vọng việc tăng lãi suất sẽ khuyến khích đầu tư vào đồng nội tệ. Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Lao động Argentina Sergio Massa đang cố gắng thuyết phục Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thúc đẩy việc giải ngân các khoản vay đã thỏa thuận và sẽ tới Trung Quốc vào ngày 29-5 tới để thảo luận về tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch thương mại song phương.

Tháng trước, Argentina kích hoạt một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc cho phép nước này thanh toán hơn 1 tỷ USD tiền nhập khẩu hàng hóa bằng nhân dân tệ. Ngoài ra, ông Sergio Massa đang lên kế hoạch cho phép nhập khẩu thực phẩm với mức thuế bằng 0 để cố gắng giảm lạm phát. Chính phủ Argentina cũng sẽ giảm lãi suất để người dân mua các sản phẩm sản xuất trong nước bằng tín dụng, như một phần trong nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp quốc gia.

Các nhà kinh tế dự báo lạm phát của Argentina sẽ ở mức gần 150% trong 12 tháng tới. Cùng với việc giá cả tăng phi mã, đợt hạn hán nghiêm trọng và các xung đột địa chính trị vẫn còn tiếp diễn được cho là sẽ đẩy nền kinh tế Argentina rơi sâu vào suy thoái trước cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top