Cơ hội và thách thức từ dân số

14:52 - Thứ Năm, 25/05/2023 Lượt xem: 5466 In bài viết

Nhiều quốc gia đang đứng trước các cuộc khủng hoảng dân số, yếu tố đóng vai trò then chốt đối với thị trường lao động. Các nước đang nỗ lực tìm cách thích ứng linh hoạt với các xu hướng nhân khẩu học, cũng như nắm bắt cơ hội để tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

Dân số đông tạo ra lợi thế và cả thách thức cho Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Bước tranh dân số trên thế giới đang chứng kiến những gam mầu tương phản rõ rệt. Trong khi dân số thế giới đang trên đà tăng, nhiều quốc gia châu Á và châu Âu lại phải đau đầu tìm cách cải thiện tình trạng tỷ lệ sinh thấp, kéo theo sự sụt giảm dân số.

Tại Nhật Bản, tỷ lệ trẻ em đã giảm năm thứ 42 liên tiếp xuống mức thấp kỷ lục mới. Tính đến ngày 1/4 vừa qua, số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống, bao gồm cả người nước ngoài ở Nhật Bản, là 14,35 triệu người, giảm khoảng 300.000 người so với một năm trước đó. Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2070, dân số Nhật Bản sẽ giảm xuống còn 87 triệu người, giảm 30% so với năm 2020.

Ở châu Âu, Italia cũng chung nỗi lo về tình trạng dân số già và tỷ lệ sinh giảm như một số quốc gia châu Á. Số sinh của Italia trong 11 tháng đầu tiên của năm 2022 đã giảm 3% so với mức 400.000 trẻ chào đời cùng kỳ năm 2021. Viện Thống kê Quốc gia Italia (ISTAT) cho biết, dân số nước này có thể giảm gần 20% trong vòng 5 thập niên tới do hệ quả từ tỷ lệ sinh giảm. Không thể phủ nhận rằng, tỷ lệ sinh thấp và dân số già sẽ dẫn tới những hệ lụy như áp lực gia tăng lên quỹ lương hưu và chi phí chăm sóc y tế; lực lượng lao động thiếu hụt, cản trở đà tăng trưởng kinh tế...

Cùng lúc đó, một số quốc gia khác lại chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về dân số. Giữa tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã chính thức vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Ai Cập cũng đứng trước nguy cơ tăng dân số quá nhanh. Người đứng đầu Hội đồng dân số quốc gia Ai Cập Tarek Tawfik (T.To-phích) nhấn mạnh, dân số của quốc gia Bắc Phi này dự kiến sẽ đạt từ khoảng 142 triệu đến 157 triệu người vào năm 2050.

Theo các chuyên gia, sự gia tăng về quy mô dân số được coi là một “lợi thế nhân khẩu học”, với những cơ hội cho tăng trưởng kinh tế. Nguồn lao động dồi dào là cơ sở và lợi thế để thúc đẩy kinh tế-xã hội. Sự gia tăng dân số còn là minh chứng rõ rệt cho các thành tựu về chăm sóc y tế, dinh dưỡng, khoa học công nghệ... Thế nhưng, đi kèm với cơ hội nhân khẩu học là hàng loạt thách thức. Dân số tăng sẽ tạo áp lực cho hệ thống hạ tầng, các phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, việc làm, cũng như cho môi trường, hệ sinh thái.

Mới đây, nhật báo Le Figaro của Pháp đã đăng bài viết cảnh báo về những nguy cơ của tốc độ già hóa dân số đối với nền kinh tế, đồng thời cho rằng nhận thức của người dân về hệ quả của tỷ lệ sinh thấp là chưa đầy đủ. Bài báo cũng nêu ý kiến của các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ sinh không nhận được sự chú ý của các nhà kinh tế bằng các dữ liệu về GDP hay lạm phát, nhưng đây lại là yếu tố có tác động quan trọng đến nền kinh tế trong trung hạn.

Một số sáng kiến, biện pháp đã được các chính phủ đề ra. Những quốc gia có tỷ lệ sinh giảm đưa ra kế hoạch hỗ trợ và khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại đối với nỗ lực khuyến sinh, từ những lo ngại về môi trường, khuynh hướng trì hoãn sinh con của phụ nữ, cho đến những vấn đề tài chính. Còn ở Ai Cập, quốc gia đứng trước sự gia tăng dân số nhanh chóng, có đến 22 tổ chức đang tham gia hoạt động kiểm soát dân số, nhưng vẫn chưa có một chính sách đủ mạnh để kiềm chế đà tăng này.

Dân số và sự phát triển xã hội có mối quan hệ khăng khít. Việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng để tạo ra xã hội có khả năng chống chịu tốt với những thay đổi nhân khẩu học là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia, nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top