Giá tiêu dùng tăng mạnh tại châu Âu: Xóa nhòa nỗ lực ổn định kinh tế

08:41 - Thứ Ba, 04/07/2023 Lượt xem: 3922 In bài viết

Giá năng lượng hạ nhiệt giúp tình hình lạm phát tại châu Âu nằm trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, kỳ vọng sớm đưa chỉ số kinh tế quan trọng này vào trạng thái ổn định đã tan vỡ do giá tiêu dùng tăng mạnh. Thách thức lạm phát đang chuyển sang giai đoạn mới đe dọa xóa nhòa những nỗ lực ổn định nền kinh tế của Lục địa già.

Chi phí đời sống của người dân tại châu Âu vẫn ở mức cao.

Mặc dù, giá năng lượng và lúa mì đã hạ nhiệt nhưng lạm phát giá tiêu dùng vẫn tiếp tục leo thang qua các thành phần khác. Thực trạng này thể hiện rõ ở việc lạm phát cơ bản - sự thay đổi giá của hàng hóa và dịch vụ, trừ thực phẩm và năng lượng - tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu duy trì ở mức cao trong tháng 6-2023.

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ghi nhận, lạm phát tháng 6-2023 tại 20 quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro là 5,5%, giảm so với mức 6,1% tháng trước đó. Đây là tháng thứ bảy trong 8 tháng qua chỉ số này đi xuống, chủ yếu nhờ giá nhiên liệu giảm đã bù lại mức tăng trong ngành dịch vụ.

Tuy nhiên, lạm phát cơ bản - vốn phản ánh tình hình sát hơn, vẫn ở mức cao 6,8%, tức là chỉ giảm 0,1% so với tháng trước đó. Mức giảm này thấp hơn rất nhiều kỳ vọng của các quan chức châu Âu. Riêng lạm phát trong ngành dịch vụ vẫn ở mức cao, thậm chí đã vọt lên 5,4%, sau khi chạm mốc 5,0% vào tháng 4-2023. Giá thực phẩm, tuy đã tuột đỉnh, nhưng vẫn đắt đỏ khi ở ngưỡng cao hơn tới 11,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Chưa dừng ở đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù bắt nguồn từ cuộc xung đột tại Ukraine và đại dịch Covid-19, áp lực giá cả tại châu Âu giờ đây có xu hướng chuyển từ lợi nhuận doanh nghiệp sang tiền lương.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chỉ ra, cho tới tháng 3-2023, lợi nhuận doanh nghiệp tăng vẫn chiếm gần một nửa mức tăng lạm phát của châu Âu, khi các công ty đẩy giá hàng hóa lên cao hơn cả mức tăng giá đột biến của năng lượng nhập khẩu.

Giờ đây, khi người lao động thúc đẩy tăng lương nhằm lấy lại sức mua, tiền lương lại trở thành yếu tố tạo ra thách thức, không chỉ bởi khả năng thúc đẩy giá tiêu dùng, mà còn do đặc thù điều chỉnh chậm đồng nghĩa có nguy cơ khiến lạm phát trở nên dai dẳng. Nói cách khác, nỗ lực đưa lạm phát vào tầm kiểm soát vẫn đối mặt nhiều thách thức nan giải.

Trong bối cảnh lạm phát cơ bản được dự đoán sẽ duy trì trên mức 5% trong những tháng tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm tìm kiếm một dấu hiệu giảm rõ ràng hơn từ áp lực giá cả. Thực tế, Giám đốc ECB Christine Lagarde cũng đã đề cập lần tăng lãi suất tiếp theo tại cuộc họp ngày 27-7 tới của ngân hàng này.

Hiện nay, tăng lãi suất là công cụ hiếm hoi còn tác dụng rõ rệt mà ECB có thể tận dụng chống lại lạm phát, dù điều này gây ra những lo ngại về tác động tiềm tàng đối với tăng trưởng, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực đồng euro suy giảm nhẹ. Tới nay, châu Âu đã trải qua 9 lần tăng lãi suất liên tiếp, từ âm 0,5% lên dương 4% trong ngày 15-6 vừa qua - là mức cao nhất trong 22 năm.

Trước khi "thuốc giảm đau" lãi suất phản tác dụng, việc sớm tìm ra một giải pháp tổng thể là cần thiết, nhưng không dễ dàng. Một yếu tố có thể nhanh chóng giúp lạm phát châu Âu đi đúng hướng (đạt mục tiêu 2% mà châu Âu đề ra cho năm 2025) là việc thuyết phục các doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận ít hơn. Hiển nhiên, điều này không dễ dàng.

Cho đến nay, chỉ có Croatia và Hungary triển khai được chính sách giới hạn giá bán thực phẩm thiết yếu. Trong khi đó, các quốc gia đang chứng kiến diễn biến lạm phát rất khác biệt, cũng đặt ra tình thế "tiến thoái lưỡng nan" cho các cơ quan điều hành của châu Âu.

Đơn cử, trong khi lạm phát của Tây Ban Nha chỉ tăng 1,6% trong tháng 6-2023 so với một năm trước đó, giá tiêu dùng tại Đức tăng 6,8% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm 2022. Nền kinh tế số 1 châu Âu cũng là nước duy nhất có lạm phát tăng trong khu vực lúc này. Bản thân “bức tranh” lạm phát tại Lục địa già cũng có nhiều gam sáng tối khác biệt, khi lạm phát tại Luxembourg (1%), Bỉ (1,6%) đã ở mức an toàn dưới 2%, nhưng lạm phát của Slovakia đang là 11,3%.

Nhìn chung, bài toán ổn định nền tài chính còn cần nhiều thời gian để tìm ra lời giải, nhưng việc châu Âu cần làm trước mắt là sớm ổn định giá tiêu dùng. Qua đó, giúp cải thiện đời sống của người dân, đồng thời tạo tiền đề cần thiết cho các nỗ lực điều tiết nền kinh tế.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top