Ai vô trách nhiệm với xã hội?

00:00 - Thứ Sáu, 23/01/2015 Lượt xem: 1187 In bài viết
Từ 16h ngày 21-1, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm. Cụ thể, xăng RON95 giảm 1.900 đồng/lít, từ 18.170 đồng xuống 16.270 đồng/lít; giá xăng RON92 còn 15.760 đồng thay vì 17.570 đồng/lít như trước; giá dầu diesel là 15.120 đồng thay cho mức 16.630 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm từ 17.110 đồng xuống còn 15.610 đồng/lít; giá dầu mazut giảm từ 13.300 đồng, còn 12.220 đồng/kg.

Thông tin giá xăng dầu tiếp tục hạ, với mức giảm tương đối sâu so với những lần trước đó, ngay lập tức lại làm bùng lên tranh cãi về "cuộc chiến" giữa người tiêu dùng, cơ quan quản lý với các doanh nghiệp vận tải liên quan vấn đề giá cước. Việc doanh nghiệp vận tải chây ì giảm giá cước hoặc có giảm song nhỏ giọt - nói cách khác là giảm không tương xứng với đà lao dốc của giá xăng dầu - thời gian qua khiến người dân bức xúc. Ngay người đứng đầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cũng bình luận rằng việc doanh nghiệp "thờ ơ" trước yêu cầu giảm giá cước vận tải từ thị trường là "sự im lặng đáng sợ". Và giờ đây, không ít ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp (vận tải) đã "vô trách nhiệm với xã hội".

Doanh nghiệp vận tải vô trách nhiệm với xã hội - Điều này đúng song chỉ đúng một phần. Hãy thử nhìn lại thị trường vận tải: Hiện nay, cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, bao gồm các hãng taxi, vận tải hành khách, vận tải hàng hóa; đấy là chưa kể hàng nghìn phương tiện vận tải của cá nhân không đăng ký thành lập doanh nghiệp. Ngay trên địa bàn Hà Nội đã có tới 114 hãng taxi. Thị trường không còn là miếng bánh độc quyền của bất cứ doanh nghiệp nào, doanh nghiệp cùng phải cạnh tranh để tồn tại, phát triển. Vậy nhưng, rất bất thường, tất cả dường như đã hợp thành dàn đồng ca xướng bài "không giảm giá cước" hoặc chỉ giảm nhỏ giọt. Khó có thể đòi hỏi ở doanh nghiệp trách nhiệm đối với xã hội khi mục tiêu tối thượng của mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh là lợi nhuận. Đặc biệt, yêu cầu này càng khó được doanh nghiệp vận tải đáp ứng khi hiện nay, việc làm ăn chộp giật, manh mún đang phổ biến và tình trạng này sẽ còn kéo dài.

Điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề ở đâu? Theo nhiều cách tính khác nhau, giá xăng dầu chiếm khoảng 35-40% giá thành vận tải. Trừ các chi phí khác như lương nhân viên, khấu hao phương tiện, kinh phí vận hành trụ sở, các loại thuế, phí khác... không khó để tính toán doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Từ đây, cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có cơ sở để sử dụng các công cụ quản lý buộc doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh tăng - giảm giá phù hợp với diễn biến thị trường, bao gồm diễn biến giá nguyên liệu đầu vào là xăng, dầu. Trong trường hợp này, liệu doanh nghiệp có dám chây ì không giảm hoặc giảm giá thiếu tương xứng trước nguy cơ bị phạt, phải nộp thuế bổ sung...? Câu trả lời chắc chắn là không. Vậy thì một câu hỏi khác được đặt ra là các cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp liên quan hoạt động vận tải là ngành tài chính, giao thông - vận tải, công thương, đã làm hết trách nhiệm? Nói cách khác, những cơ quan này đã làm hết trách nhiệm đối với xã hội? Cũng phải nói thêm, giờ là thời điểm công luận, người tiêu dùng có quyền được biết kết quả các lần thanh tra, đôn đốc giảm giá cước vận tải của doanh nghiệp từ phía cơ quan chức năng. Nếu không sự tù mù xung quanh chuyện chây ì giảm giá cước vận tải còn gây ra nhiều nghi vấn.

Tất nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước có thể than phiền về bất cập do kẽ hở trong cơ chế quản lý giá song đây không phải lý do thỏa đáng. Việc giá xăng chỉ tăng vài trăm đồng doanh nghiệp vận tải đã lập tức té nước theo mưa, ào ạt tăng giá song hoàn toàn "án binh bất động" khi xăng, dầu liên tục giảm giá sâu là hết sức bất thường. Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp, xã hội - chính xác là người tiêu dùng - hoàn toàn bình đẳng, trong đó quyền lợi của mỗi bên đều phải được Nhà nước bảo đảm thông qua các công cụ quản lý.

Để một sự bất thường tiếp tục duy trì, bất chấp phản ứng từ phía dư luận, trách nhiệm thuộc về chính cơ quan quản lý.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top