Vấn đề tuần này

Nhiều điều lực bất tòng tâm

00:00 - Thứ Sáu, 17/04/2015 Lượt xem: 1164 In bài viết
ĐBP - Hàng chục năm qua, tình trạng di cư tự do (DCTD) luôn là vấn đề vô cùng nhức nhối, phức tạp về nhiều mặt đối với các tỉnh miền núi trong cả nước nói chung và Điện Biên nói riêng - Đặc biệt là địa bàn huyện biên giới Mường Nhé và một số xã của các huyện vùng sâu, biên giới...

Song song với việc từng bước đầu tư phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, liên tiếp nhiều năm qua, trong chương trình nghị sự tại các kỳ họp của Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên nhiều khóa liền, DCTD luôn là một trong những vấn đề chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu, được dành nhiều thời gian và được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Ngược dòng thời gian, theo ghi nhận của chúng tôi, gần 20 năm trước (trung tuần tháng 11/1996), UBND tỉnh Lai Châu (cũ) đã chủ động mở Hội nghị chuyên đề về tình hình DCTD, mời lãnh đạo của 7 tỉnh bạn có dân DCTD đến Lai Châu, để cùng nhau bàn biện pháp tháo gỡ những tồn đọng, vướng mắc, xung quanh vấn đề DCTD và do người DCTD gây ra.

Tuyên truyền chính sách pháp luật cho người dân vùng cao. Ảnh minh họa. H.Y

Mặc dầu vậy, rất tiếc buộc lòng phải xin phép nói rằng: Cá biệt có tỉnh tới giờ vẫn chưa thực hiện, hoặc thực hiện không thật đầy đủ phần trách nhiệm đã tự nguyện ký kết tại Hội nghị liên tỉnh đó. Vì thế, trong cuộc trường chinh mang tên DCTD suốt mấy chục năm qua, một mình tỉnh Lai Châu trước đây và tỉnh Điện Biên hiện nay âm thầm giải quyết vấn đề, trên cơ sở những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ mà Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 12/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ (về phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015), là một ví dụ.  

Vẫn biết di dân vốn là một hiện tượng bình thường, nó vừa mang tính chất quy luật khách quan, vừa đồng thời phản ánh nhu cầu tất yếu của một xã hội vận động.

Nhưng đấy là di dân có tổ chức, vì lý do kinh tế, nằm trong kế hoạch (kịch bản) điều phối lao động và phân bố dân cư chung của Chính phủ. Hơn nữa, “di dân tự do” và “du canh du cư” là hai khái niệm không thể đồng nhất và không nên đồng nhất, như có người từng nghĩ... Vì chủ quyền biên giới quốc gia và cuộc sống bình yên nơi địa đầu đất nước, đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân Điện Biên liên tiếp phải đối mặt với những thách thức, những tình huống phức tạp và nhạy cảm, đòi hỏi không chỉ tinh thần chủ động tiến công, sự quyết đoán, mà cả lập trường nguyên tắc.

Điều đặc biệt là trong số dân DCTD đến từ tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh khác nói chung, chiếm tỷ lệ trên 50% là đồng bào Mông (còn gọi H’Mông, tức người Mèo). Trước lúc quần tụ về đây, họ đã để lại sau lưng một quá khứ buồn bã, đói nghèo với những sườn đồi lăn lóc sỏi đá, thưa thớt bóng cây. Mỗi tấc đất quê hương đều đã bị vắt kiệt đến giọt màu mỡ cuối cùng. Để rồi, trên vùng đất khách di cư, để có lương thực nuôi sống con người, buộc họ phải phá rừng làm nương. Cho đến nay, tuy không có con số chính thức về tổng diện tích rừng bị tàn phá ở Mường Nhé (hoặc giả không ai muốn công bố những “thống kê buồn” đó chăng?), nhưng chắc chắn trên thực tế là con số không hề nhỏ. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng: Dầu bao nhiêu thì đó mới chỉ là con số tối thiểu, theo lý thuyết, về số rừng bị phá. Tuyệt nhiên chưa phải là con số diện tích rừng bị phá của cả huyện Mường Nhé và do đó, càng không phải là số rừng bị phá của toàn tỉnh Điện Biên; một tỉnh mà hầu hết người dân sống nhờ vào việc phá rừng làm nương. Vả lại xưa nay, cứ 2 đến 3 năm người ta lại tìm phát nương mới một lần, vì thế con số bao nhiêu hécta rừng bị phá ban đầu, không biết đến giờ đã bao nhiêu lần qua cấp số nhân?!

Ai cũng biết Điện Biên là một trong số những tỉnh nghèo nhất nước, do vậy có quá nhiều điều lực bất tòng tâm. Đành rằng - giống như đại bộ phận các tỉnh bạn khác - Điện Biên vẫn đều đặn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, các tổ chức... Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn đặc thù và khách quan, mong sao có một hệ thống văn bản pháp lý riêng rẽ, chi tiết và đủ mạnh; áp dụng cho những địa phương có người DCTD đi, cho những địa phương có người DCTD đến và lẽ đương nhiên, cho cả những người là dân DCTD...

Lê Lan
Bình luận
Back To Top