Gỡ "nút thắt cổ chai"

00:00 - Thứ Tư, 24/06/2015 Lượt xem: 1147 In bài viết
Số liệu vừa được công bố cho thấy, tháng 6-2015, lượng khách quốc tế tới Hà Nội vào khoảng 162 nghìn lượt, giảm 6,1% so với tháng trước. Thống kê trên toàn quốc 5 tháng đầu năm 2015 cũng nêu ra con số đáng quan ngại, đó là lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thời gian này ước đạt 3.275.191 lượt, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2014. Điều đó cho thấy ngành "công nghiệp không khói" của nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức và nếu không có sự đột phá thì lượng khách đến nước ta có thể tiếp tục giảm.

Theo các chuyên gia, ưu thế của thị trường du lịch Việt Nam với khách quốc tế đến thời điểm này vẫn là: Tình hình chính trị - xã hội ổn định, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều món ăn ngon, con người mến khách… Song hành với những thuận lợi được nhắc đi nhắc lại qua suốt nhiều năm thì cũng là những hạn chế thấy rõ, như: Thiếu dịch vụ hỗ trợ du lịch, khai thác các điểm du lịch ở mức tận thu kiểu "cho đi" mà không "nhận lại", hạ tầng yếu… nên lượng khách lưu trú dài ngày hoặc quay trở lại nhiều lần rất hạn chế. Ngoài ra, một điểm rất đáng lưu ý là dường như chính sách phát triển du lịch dù cởi mở hơn trước nhưng đang bị "điểm nghẽn" visa làm cho lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực giảm đi phần nào.

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 8-6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết, những "đối thủ" cạnh tranh chính của du lịch Việt Nam là Thái Lan đã miễn thị thực cho 61 nước, trong đó 40 nước được miễn đơn phương; Singapore đã miễn thị thực cho 180 nước, trong đó 80 nước được miễn đơn phương… Rồi ông kết thúc bài phát biểu của mình với câu hỏi để ngỏ: "Việt Nam đứng thứ 6 trong 20 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, có nhiều bãi biển thuộc hạng đẹp nhất thế giới... Vậy, điều gì làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng khách du lịch?". Trong phát biểu của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dường như có sự băn khoăn, đồng cảm với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành khi ròng rã nhiều năm họ kiến nghị cần có sự cởi mở hơn trong chính sách visa để hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Thống kê cho thấy, với chính sách visa hiện nay, khoản phí visa thu về mỗi năm sẽ đóng góp vào ngân sách hàng chục triệu USD. Ngoài ra, đó còn là vấn đề "có đi có lại" trong đối ngoại, an ninh quốc phòng… Tuy nhiên, nhiều phân tích cũng cho thấy giá trị của việc miễn visa du lịch không nằm ở tiền phí thu được mà còn là tâm lý của khách. Khách du lịch vào Việt Nam trung bình mỗi người chi tiêu 1.000-1.500 USD, nên họ không tiếc mấy chục USD lệ phí visa. Nhưng tờ visa tạo ra cho họ nhiều thủ tục nhiêu khê, nhiều mối bận tâm khó chịu, thậm chí là đặc quyền đặc lợi cho một số bộ phận quản lý lĩnh vực này đã được các cơ quan báo chí nêu rõ thời gian qua. Điều này dẫn đến có ít khách du lịch được trả đúng mức lệ phí visa như Bộ Tài chính công bố và hầu hết khách họ phải xin visa qua các công ty dịch vụ với mức phí phải trả cao hơn nhiều. Trong khi đó, các nước trong khu vực, kể cả Lào và Campuchia đã có chính sách visa khá cởi mở - một phần dẫn đến lượng khách đến đất nước họ liên tục tăng.

Nhận thức rõ những điểm bất lợi trong thu hút khách du lịch quốc tế, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 46/NQ-CP miễn thị thực cho công dân 5 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia khi nhập cảnh Việt Nam. Việc miễn thị thực được thực hiện trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày 1-7-2015 và sẽ được xem xét, gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trước đó, ngày 1-1-2015, Việt Nam cũng đã miễn visa đơn phương cho 7 nước gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga; miễn visa trên cơ sở "có đi, có lại" với 9 nước ASEAN.

Chưa bao giờ Việt Nam có sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế, chính trị toàn cầu như hiện nay. Nhờ đó, hoạt động của ngành "công nghiệp không khói" có nhiều thuận lợi và song hành với không ít khó khăn mà sự phát triển ngành này thời gian qua cho thấy điều đó. Bên cạnh việc cải thiện dịch vụ, nhân lực… thì việc xem xét, mở rộng miễn visa đối với khách từ những thị trường trọng điểm là điều đang được mong đợi sẽ mang lại làn gió mới cho du lịch nước nhà.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top