Vấn đề bạn đọc quan tâm

Khoản “học phí” cuối cùng

00:00 - Thứ Hai, 06/07/2015 Lượt xem: 1207 In bài viết
ĐBP - Như tin đã đưa: Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm học 2014-2015, tỉnh Điện Biên có trên 6.300 thí sinh kể cả thí sinh tự do. Trong đó, hơn 3.400 em sẽ về Sơn La dự thi để được xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học. 

Vậy là đã có hơn 3.400 em mang trong tim khát vọng trở thành sinh viên các trường chuyên nghiệp. Đi cùng các em về Sơn La là rất nhiều phụ huynh với tâm trạng âu lo phấp phỏng. Mừng thì tất nhiên cũng mừng trước tương lai sự học nước nhà. Tuy nhiên, sự lo cũng không phải nhỏ và là cái lo mà nhiều người trông thấy, nhiều gia đình đang là “nạn nhân” của tư tưởng trọng bằng cấp. Do khắp nơi có trường chuyên nghiệp, nên cơ hội học chuyên nghiệp của học sinh phổ thông là rất lớn - xét về cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Sau tối thiểu 12 năm phổ thông, giảng đường đại học là mục tiêu cuối cùng của nhiều học sinh. Phương châm chả đại học chính quy thì chấp nhận đại học tại chức, không trường công lập thì đành tặc lưỡi vào trường dân lập. Thậm chí, với những gia đình có điều kiện, ước mơ của họ là cho “quý tử” du học mãi tận nước nảo nước nào để bố mẹ được hãnh diện với bàn dân thiên hạ(!).

Thế nhưng, trên con đường đời các em đi, đâu chỉ có nhung êm lụa ấm như thế?  Bỏ lại sau lưng một bản nghèo heo hút, một khu dân cư còn nhiều hộ phải xin gạo cứu đói; với một gia cảnh không mấy no đủ, em vào trường chuyên nghiệp phấn khởi bao nhiêu thì bố mẹ, anh chị lại lo lắng bấy nhiêu. Khoản học phí trong 4 - 5 năm đại học tưởng đã là lớn, nhưng cũng không thấm tháp gì so với khoản “học phí” cuối cùng để cha mẹ xin việc cho em. Học phí những năm đi học nhà trường còn thu dần dần, chứ khoản “học phí” cuối cùng này buộc bố mẹ em phải có và “nộp đủ” ngay một lúc. Vả lại, hãy xem chỉ tiêu biên chế mỗi năm được phân bổ bao nhiêu trường hợp cho cả huyện, cả tỉnh mà nhiều người mơ ước suất “cán bộ trong biên chế” như vậy?

Từng không ít cử nhân cầm tấm bằng đại học đi gõ cửa nhiều cơ quan, ban ngành, đơn vị nhưng đều bị từ chối thẳng thừng bởi vô vàn lý do; mà một trong những lý do không ai có thể bắt bẻ là cơ quan họ chỉ tuyển những sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên; trong khi ngân hàng thúc trả khoản tiền vay theo chính sách tín dụng dành cho sinh viên nghèo. Không thể “ăn bám” bố mẹ mãi, các “sinh viên thất nghiệp” đành rẽ ngang sang ngành khác và ngay cả vậy cũng đâu có dễ dàng gì? Ai may mắn xin được chân bảo vệ cơ quan hay chạy bàn nhà hàng ăn uống... cũng là điều cực chẳng đã, vì công việc kiếm sống không liên quan gì đến học vấn cử nhân của mình.

Trở lại vấn đề đang bàn trên địa bàn tỉnh ta, tôi tự hỏi lòng rằng trong số hơn 3.400 em ấy liệu bao nhiêu em có thể lách qua “khe cửa hẹp” của các giảng đường chuyên nghiệp? Nhất là sau đó, bao nhiêu em ra trường xin được việc làm với khoản “học phí” cuối cùng nặng trĩu nỗi lòng các bậc sinh thành?

Lê Lan
Bình luận
Back To Top