Có nên tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy?

00:00 - Thứ Sáu, 17/07/2015 Lượt xem: 1030 In bài viết
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ kiến nghị việc sửa đổi Nghị định số 18/NĐ-CP theo hướng dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.

Chuyện thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy đã làm "nóng" nhiều diễn đàn và thu hút sự quan tâm của xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi: Mục tiêu đặt ra đối với việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy có được như mong muốn của các nhà quản lý? Số thu thấp trong khi chi phí để thu rất cao, vậy có nên tiếp tục thu phí?... Chưa kể hàng loạt vấn đề phát sinh từ thực tế khi nhiều địa phương đang có cách giải quyết khác nhau đối với loại phí này.

Có nên tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy? Ảnh minh họa: H.An

Theo một vị đại biểu Quốc hội, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy trên thực tế có không ít bất cập. Ví như: Với những hộ dân có nhiều xe máy nhưng vì người nhà đi làm ăn xa thường chỉ sử dụng một hoặc hai xe máy sẽ phải thu phí thế nào? Chưa kể rất nhiều xe gắn máy đang sử dụng đã được sang tên đổi chủ nên rất khó quản lý. Có chuyên gia kinh tế thẳng thắn: Nên bỏ thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy vì kết quả thu rất ít. Nhiều nơi có tình trạng thu xong để đấy, không rõ phần trả công cho người đi thu là bao nhiêu, phần còn lại bao nhiêu... có thể dẫn tới tình trạng lạm dụng thu quỹ. Chưa kể người dân cũng đã đóng nhiều loại phí gián tiếp qua giá xăng để có thể vận hành phương tiện. Một số địa phương như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị bỏ thu loại phí này.

Tuy nhiên, cũng có người đặt câu hỏi: Nếu dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, việc sửa chữa đường sá có gặp khó khăn không? Thực tế, ngoại trừ một số thành phố lớn, ngân sách địa phương nhìn chung luôn eo hẹp, do vậy khi Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương lấy ý kiến 32 địa phương về việc có nên tiếp tục thu phí đường bộ với xe gắn máy hay không, có tới 30 địa phương cho rằng nên tiếp tục thực hiện. Và nữa là những băn khoăn về việc nếu dừng thu loại phí này, những người dân đã nộp phí có được hoàn trả tiền hay không? Dù lãnh đạo Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho rằng: Sẽ có ý kiến để người nộp phí và cơ quan Nhà nước có sự đồng thuận, bảo đảm sự công bằng cho người dân. Thế nhưng băn khoăn nêu trên là có cơ sở.

Nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ có vai trò quan trọng trong việc giảm gánh nặng ngân sách địa phương, nhưng nếu thực hiện mà không mang lại hiệu quả thực tế thì rõ ràng là cả vấn đề. Mọi chính sách chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi phù hợp với thực tiễn vận động của cuộc sống. Với những chính sách đã được ban hành nhưng chưa tạo được sự đồng thuận của người dân, chưa đi vào cuộc sống thì cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để điều chỉnh. Nếu tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, cơ quan chức năng cần có giải trình để bảo đảm sự đồng thuận của xã hội. Nếu dừng, cũng cần có giải pháp để những người đã nộp phí không phải chịu thiệt thòi.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top