Thiếu liên kết, việc lớn khó thành

00:00 - Thứ Hai, 20/07/2015 Lượt xem: 1156 In bài viết
Tại hội thảo "Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới" do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 7, ý kiến chung của các đại biểu thống nhất rằng: Tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên, vì nhiều lý do, lợi thế phát triển du lịch đã không được tận dụng một cách hiệu quả. Trong số nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, điều được nhiều người đề cập là khả năng liên kết vùng, ngành còn hạn chế.

Cả thành công và sự hạn chế trong quá trình phát triển du lịch Việt Nam cho thấy tính xác thực của luận điểm nêu trên. Về mặt thành công, ở mức độ nhất định, có thể thấy rõ điều này trong chặng đường phát triển du lịch duyên hải miền Trung, nơi mà những hạt nhân như Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đã vận hành mối liên kết dựa trên kế hoạch phát triển du lịch thông qua "Con đường di sản miền Trung" từ nhiều năm qua. Một chương trình liên kết chưa phải là hoàn hảo, nhưng cho thấy khả năng cung cấp hệ sản phẩm du lịch được đánh giá cao nhờ tận dụng thế mạnh của từng địa phương trong chuỗi, đem lại sự hài lòng cho cả du khách trong và ngoài nước. Quá trình hợp tác còn cho thấy lợi ích trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch mà theo đó, khoản kinh phí dành cho mặt công tác quan trọng này của mỗi địa phương giảm chỉ còn 1/3, đồng nghĩa với việc địa phương có thể duy trì công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thường xuyên hơn.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, hình thành liên kết vùng nhằm tạo lợi thế so sánh. Tuy nhiên, cho tới nay, những mô hình liên kết đã có chưa cho kết quả bền vững. Những chương trình liên kết giữa ba tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ nhằm phát triển du lịch về nguồn; mô hình liên kết giữa 6 tỉnh Việt Bắc và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, mô hình tour du lịch khép kín Hà Nội - Hạ Long - Cát Bà - Hải Phòng - Hà Nội, nhìn rộng ra là sự liên kết giữa tam giác Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng; mô hình liên kết phát triển du lịch đường sông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… dù cho kết quả bước đầu nhưng chưa xứng với tiềm năng. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam), một trong số yếu tố dẫn đến việc phung phí tài nguyên du lịch Việt Nam là tình trạng liên kết, phối hợp lỏng lẻo giữa các địa phương: "Cách làm du lịch manh mún, chia cắt, thiếu tính liên kết, tức là đi ngược lại với logic tồn tại của ngành du lịch. Nguyên nhân này tồn tại trong cơ chế vận hành kinh tế - xã hội, không phải của riêng ngành du lịch nhưng tác động tiêu cực của nó đến sự phát triển du lịch là trực diện, rõ ràng và nặng nề nhất. Chủ nghĩa cát cứ, cục bộ địa phương đang là yếu tố triệt tiêu thế mạnh du lịch quốc gia của Việt Nam".

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, việc tạo mối liên kết bài bản, có trách nhiệm giữa các địa phương giữ vai trò quan trọng. Muốn tạo ra mối liên kết bền vững đó, cần có giải pháp cụ thể về đầu tư phát triển du lịch vùng, trong đó có kế hoạch đào tạo nhân lực, xây dựng sản phẩm và hạ tầng du lịch, xúc tiến và quảng bá… Điều quan trọng nhất là khắc phục điểm yếu lớn nhất hiện nay, đó là thiếu tính liên kết trong xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch giữa các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch và có khả năng liên kết cao.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top