Dân chủ là mục tiêu và động lực của công cuộc đổi mới

00:00 - Thứ Hai, 04/04/2016 Lượt xem: 1658 In bài viết
Từ Đại hội VI (tháng 12-1986) đến Đại hội XII (tháng 1-2016), công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã trải qua chặng đường 30 năm gắn với sáu kỳ Đại hội Đảng. Trong những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng và nhân dân ta đạt được, Dân chủ là một trong những thành tựu nổi bật, được thể hiện trong các lĩnh vực của đời sống, trong công tác lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, trong hoạt động của Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể nhân dân, cũng như trong nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo với Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.

Thực tiễn đổi mới, nhất là đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, thực hiện dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã xác nhận giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn to lớn của luận điểm mà Đảng ta nêu ra: "Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của đổi mới", là đặc trưng đồng thời thể hiện bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân là yếu tố quan trọng, quyết định dẫn tới những thành công sau 30 năm đổi mới.

Những bước trong tư duy lý luận

Từ thành tựu dân chủ ở nước ta 30 năm qua, có thể nhận thấy những bước tiến trong tư duy lý luận của Đảng về dân chủ, những kết quả tích cực trong thực hiện và thực hành dân chủ, từ các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể của hệ thống chính trị đến cộng đồng xã hội với hoạt động tham chính của người dân theo phương thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Nhìn lại thành tựu dân chủ trong 30 năm qua cũng là để nhận rõ những vấn đề đặt ra cần giải quyết để phát triển dân chủ đầy đủ, thực chất hơn, làm cho dân chủ thực sự là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới, thực hiện nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong nhiệm kỳ khóa XII: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng ngang tầm nhiệm vụ.

Dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống để thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để xây dựng nền dân chủ là một tư tưởng lớn được Đảng ta xác định ngay từ lúc mở đầu công cuộc đổi mới. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước theo vị trí và vai trò, chức năng và nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm cũng nhằm vào mục tiêu xây dựng và phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Đó cũng là quan điểm và phương thức đổi mới chính trị và hệ thống chính trị ở nước ta được thể hiện trong Báo cáo chính trị và Nghị quyết Đại hội VI, Đại hội khai sinh cho công cuộc đổi mới, đặt nền móng xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Dân chủ và hệ thống chính trị là những khái niệm căn bản của khoa học chính trị được chính thức đề cập trong các văn kiện của Đảng thời kỳ đổi mới, lần đầu tiên được nhắc đến trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI vào năm 1989, đặc biệt được trình bày có hệ thống về lý luận trong Cương lĩnh của Đảng năm 1991 (Đại hội VII) và năm 2011 (Đại hội XI) cũng như Tổng kết 30 năm đổi mới (2016). Đây là dấu mốc quan trọng về tư duy lý luận của Đảng trong lĩnh vực chính trị, hình thành khoa học chính trị ở nước ta trong bối cảnh đổi mới, kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế.

Trước đổi mới, tại Đại hội IV (năm 1976) và Đại hội V (năm 1981), vấn đề dân chủ và hệ thống chính trị được đề cập trong các khái niệm “Làm chủ tập thể” và “Chế độ làm chủ tập thể”, “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Vào lúc đó, chúng ta gọi đây là cơ chế làm chủ tập thể. Nhà nước được xác định là “Nhà nước chuyên chính vô sản”.

Chỉ từ Đại hội VI trở đi, trong tiến trình đổi mới, với những nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn và trải qua hoạt động thực tiễn, nhất là khi đi vào kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập… dần từng bước, Đảng ta đã định hình trong tư duy lý luận của mình về “dân chủ”, “hệ thống chính trị”, “mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo với Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ”. Đây là một trong những mối quan hệ lớn, có tính quy luật của đổi mới để phát triển ở nước ta.

Cũng từ thực tiễn đổi mới, Nhà nước - bộ phận nòng cốt, rường cột của hệ thống chính trị, được Đảng ta xác định là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Đây không phải là sự thay đổi hình thức diễn đạt các khái niệm mà là sự biểu đạt nhận thức mới, hình thành quan niệm mới, thể hiện tư duy lý luận mới của Đảng ta với tư cách một Đảng Cộng sản lãnh đạo và cầm quyền.

Trong những khái niệm mới nêu trên, một mặt, Đảng ta thấm nhuần và nhất quán với lý luận kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là những chỉ dẫn của Người về dân chủ và thực hành dân chủ, mặt khác, bám sát những biến đổi của thực tiễn trong nước cũng như trên thế giới, đặc biệt là nhận thức rõ đặc điểm nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, trong những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử mới: Kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Chính xác hóa tư duy lý luận và rộng hơn là khoa học hóa, dân chủ hóa để hiện đại hóa sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đó là một trong những bảo đảm cần thiết cho việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong sự nghiệp đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng.

Và thực tiễn

Đảng và nhân dân ta đã và đang nỗ lực thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, khẳng định “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Đó vừa là địa vị của dân trong một xã hội dân chủ vừa là quyền và nghĩa vụ của công dân trong nhà nước pháp quyền.

Người chỉ rõ, “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trên thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân”. Người còn nhấn mạnh, bao nhiêu lợi ích phải thuộc về dân, bao nhiêu quyền cũng là của dân. Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, ở trong dân. Cho nên, để thực hiện dân chủ thì cán bộ đảng viên, công chức, viên chức phải là công bộc tận tụy và đầy tớ trung thành của dân, nêu cao tinh thần và trách nhiệm phục vụ nhân dân. Xét về mặt chính thể và thể chế thì bản chất quyền lực nhân dân của dân chủ là thực hiện chế độ ủy quyền của nhân dân vào Nhà nước. Phải dùng pháp luật tôn nghiêm, kỷ luật kỷ cương nền nếp và chặt chẽ để thực hiện dân chủ đầy đủ, thực chất, không để xảy ra những biến dạng hoặc tha hóa quyền lực, mà biểu hiện rõ nhất là dân chủ biến thành “quan chủ”, làm công bộc đầy tớ của dân mà lại lên mặt “quan cách mạng” như Bác Hồ đã phê phán.

Trong thực tế, quan liêu, tham nhũng, xa dân, vô trách nhiệm với dân, thậm chí “vô cảm” trước nỗi khổ, sự oan ức của dân… đều là đối lập với dân chủ, xa lạ với bản chất đích thực của dân chủ. Vi phạm dân chủ và dân chủ hình thức cũng vậy, nó đều làm tổn hại tới giá trị thực tế của dân chủ với những biểu hiện của quan liêu: Xa dân, không tin dân, ghét dân, khinh dân, cửa quyền, hách dịch, thậm chí còn lợi dụng và lạm dụng chức quyền để trục lợi, vụ lợi, tham ô, tham nhũng, gây hại tới dân như Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Nhận thức đúng vai trò của dân, của dân chủ gắn liền với pháp luật để xây dựng văn hóa trọng dân và trọng pháp. Do đó, thành tựu về nhận thức lý luận và chuyển biến tích cực bước đầu trong thực tiễn về dân chủ là chú trọng đề cao pháp luật, trau dồi đạo đức công vụ ở các cơ quan công quyền, trong ứng xử hằng ngày với dân, từ Đảng đến Nhà nước và các đoàn thể.

Như vậy đủ hiểu vì sao, Hồ Chí Minh gắn chặt Dân với Dân chủ, Dân chủ với Dân vận, với Đại đoàn kết dân tộc để mọi người, mọi việc, mọi tổ chức đều vì dân, đều phải đặt công việc phục vụ dân lên hàng đầu, tất cả phải “dĩ công vi thượng”, phải “quang minh chính đại”, phải đủ bốn đức làm người - cần kiệm liêm chính, phải suốt đời thi hành một nền chính trị liêm khiết, thanh khiết, từ trên xuống, từ dưới lên. Coi dân chủ như một giá trị tài sản, nó như “tư liệu sản xuất” của chính trị mà người dân, công dân của Nhà nước pháp quyền đóng vai trò chủ sở hữu dân chủ, nên Hồ Chí Minh chỉ rõ, “dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân” và “thực hành dân chủ rộng rãi sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi công việc, vượt qua mọi khó khăn”. Người đã nhận ra vai trò động lực của dân chủ ngay từ những ngày đầu xây dựng chính thể cộng hòa dân chủ với bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 - một dấu ấn đặc sắc về dân chủ - pháp quyền trong lịch sử lập Chính và lập Hiến của nước ta. Đến Đại hội XII, khi tổng kết 30 năm đổi mới, dân chủ đã được xác định là một trong những động lực hàng đầu trong hệ thống các động lực phát triển ở nước ta trong đổi mới, phát triển và hiện đại hóa.

(Còn nữa)

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top