Vấn đề hôm nay

“Như những người đầy tớ trung thành nhất”

00:00 - Thứ Sáu, 20/05/2016 Lượt xem: 4863 In bài viết
ĐBP - Khi số báo này được phát hành (20/5/2016), thì còn đúng 2 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Đó là ngày mà các cử tri tự tay cầm lá phiếu bầu ra người thay mặt mình lo việc nước, việc dân. 5 năm mới có một lần, cùng với cử tri cả nước, hơn 431.000 cử tri Điện Biên hồi hộp chờ dịp làm tròn nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm của mình qua lá phiếu tươi màu hạnh phúc... 

Như đã định, ngày 22/5/2016 sẽ diễn ra cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; cùng với cử tri cả nước, cử tri Điện Biên cũng đang nóng lòng chờ đợi sự kiện đáng nhớ ấy. Trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, đây là lần thứ hai bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp diễn ra đồng thời. Để thực hiện chỉ đạo của Trung ương về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tới thời điểm này, mọi công đoạn đã được hoàn tất theo trình tự nguyên tắc của Luật Bầu cử ĐBQH, Luật Bầu cử HĐND, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND...

Cho đến nay, các đoàn ứng cử viên các cấp đã hoàn tất toàn bộ chương trình tiếp xúc cử tri. Từ kết quả thu được qua những cuộc tiếp xúc, chúng ta vui mừng nhận thấy trình độ hiểu biết mọi mặt của cử tri đã và đang nâng tầm lên rất nhiều. Họ không chỉ thuần túy quan tâm tới miếng cơm, manh áo dù đó là những chuyện hết sức thiết thân, mà hơn thế, cử tri còn quan tâm tới những vấn đề rất rộng trong cuộc sống công nghiệp hóa - hiện đại hóa nói chung... Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của người ĐBQH cũng như đại biểu HĐND các cấp, đòi hỏi các ứng cử viên sau khi trúng cử phải thường xuyên liên hệ với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri lên Quốc hội và các cơ quan chức năng. Đặc biệt, người ĐBQH phải có trình độ, trí tuệ và nhất là phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị. Tại các kỳ họp của Quốc hội, các đại biểu phải hăng hái thảo luận và tham gia ý kiến với Quốc hội, để Quốc hội quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước; nâng cao chất lượng làm luật, chất lượng và hiệu quả giám sát, góp phần quan trọng xây dựng Nhà nước thực sự là của dân, do dân và đại diện cho dân.

Với niềm phấn khởi và tin tưởng, cử tri mong muốn nếu trúng cử, các đại biểu sẽ dành thời gian lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, phản ánh đến các cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề: Dự án mở rộng sân bay Điện Biên Phủ, vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một; sự cần thiết phải xây dựng nhà văn hóa cộng đồng tại các khu phố, bản; ngăn chặn sự gia tăng của các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, buôn bán phụ nữ, phá rừng trái phép, di cư tự do...

Đồng thời, với quyền hạn và nghĩa vụ của mình, mong sao ĐBQH và HĐND các cấp tăng cường hơn nữa công tác giám sát sự hoạt động của các cơ quan công quyền, có tiếng nói thẳng thắn, mạnh mẽ để truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Quan tâm đến những kiến nghị liên quan đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân; đề ra chính sách, quyết sách đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể hóa chương trình hành động phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đem lại lợi ích cao nhất để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành tốt trọng trách mà các cử tri giao phó, xứng đáng là người đại diện cho quyền lợi chính đáng của nhân dân. Để được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH và HĐND các cấp đã là khó, tuy vậy, để làm một đại biểu hoạt động hiệu quả, tiếng nói có trọng lượng, tạo ấn tượng đẹp trong lòng cử tri... còn khó gấp nhiều lần. Trong quá trình công tác, mong sao các đại biểu mỗi ngày một năng động hơn, gần dân hơn, lắng nghe dân hơn và tạo được nhiều niềm tin hơn với nhân dân.

Lại nhớ năm 1964, tại Đại hội Đại biểu nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử ĐBQH khóa III khu vực Hà Nội, Bác Hồ đã nói: “Có người sẽ được bầu, có người không được bầu. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng người không được bầu cũng như người được bầu đều vinh hạnh vì đã được đồng bào tin cậy và giới thiệu mình. Cho nên, được bầu hay không được bầu, chúng ta đều phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, như những người đầy tớ trung thành nhất của nhân dân”... Ngẫm ra, lời dạy của Bác càng ngày càng thấm thía, uyên sâu...

Lê Lan
Bình luận
Back To Top