Những hạt bụi trong bão tố

08:23 - Thứ Ba, 13/12/2016 Lượt xem: 1561 In bài viết
Vậy là Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) đã không thể thông qua được một dự thảo nghị quyết ngừng bắn tạm thời cho A-lép-pô (Aleppo). Có nghĩa, những thân phận dân thường còn đang mắc kẹt trong lửa đạn vẫn sẽ phải tiếp tục chờ đợi thời điểm được giải cứu, trong khi bóng ma của một thảm họa nhân đạo mới đã sẵn sàng ập xuống.

Hàng trăm nghìn người, những người đang cố gắng chạy trốn tử thần trong những đống ngói tan gạch nát ở chiến trường ấy, đã gần như không còn nước sạch từ cuối tuần trước. Dĩ nhiên, thực phẩm đã trở nên khan hiếm kể từ khi cuộc vây hãm bắt đầu, ngày 15-11. Bên cạnh đó, nếu không may dính phải “tên bay đạn lạc”, họ sẽ ở rất gần cái chết, khi các điều kiện về cấp cứu, thuốc men, phẫu thuật... là vô cùng hạn chế.

Gần 400 dân thường đã thiệt mạng ở A-lép-pô. Con số ấy vẫn đang chuẩn bị tăng lên, từng ngày, từng giờ. Mới chỉ có khoảng 50 nghìn người sơ tán thành công đến được những địa điểm ngoại vi an toàn. Những người còn lại không thể tự quyết định được số phận của mình nữa.

Họ buộc phải ký thác tất cả, và trông chờ vào cộng đồng quốc tế. Thế nhưng, ngay cả cơ quan quyền lực cao nhất của thế giới cũng chưa thể mở ngay được cho họ một “sinh lộ”, trong một trạng thái chia rẽ sâu sắc.

Cần phải thừa nhận, Nga và Trung Quốc có những lý do xác đáng khi đưa ra những lá phiếu phủ quyết dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn bảy ngày ở A-lép-pô (ngày 5-12). A-lép-pô có một vị trí quá quan trọng, và ai làm chủ được nó, người ấy sẽ nắm rất nhiều ưu thế trong tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho cả đất nước Xy-ri (Syria) trong tương lai.

Quân đội Chính phủ Xy-ri, với sự hỗ trợ của quân đội Nga, đã kiểm soát tới 70% phạm vi diện tích A-lép-pô. Họ đã bỏ ra quá nhiều công sức để giành được thành quả ấy, ngay khi ngôi thành cổ này còn nằm trong tay lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Họ không thể dễ dàng buông bỏ lợi ích cốt lõi của mình, đặc biệt là khi một khoảng thời gian ngừng bắn dài như vậy chắc chắn sẽ là điều kiện để các nhóm nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn tập hợp và củng cố lại lực lượng.

Trên thế thượng phong tuyệt đối, cũng đã vài lần liên quân Xy-ri - Nga ngừng bắn, và kêu gọi phiến quân đầu hàng. Song, đáp lại, cả khu vực Đông A-lép-pô vẫn là những căn cứ cố thủ. Và sự nhẫn nại nào cũng có giới hạn.

Ít ra, vào lúc này, sự cứng rắn cũng đang tỏ ra là một chiến thuật đúng đắn, trên chiến trường. Theo một số nguồn tin được các hãng Xpút-nhích (Spoutnik) và AFP dẫn lại, trong bối cảnh thiệt hại nặng nề, một số nhóm nổi dậy đã đưa ra những cáo buộc chống lại nhau, hoặc bí mật đàm phán với phía Chính phủ Xy-ri về khả năng rút khỏi các vị trí của mình. Cho dù, những viên chỉ huy vẫn loại trừ khả năng triệt thoái.

Tuy nhiên, trên tất cả những điều ấy, nói như Thủ tướng Đức A.Méc-ken (Angela Merkel), việc cộng đồng quốc tế không thể thiết lập một hành lang nhân đạo và làm dịu tình hình ở A-lép-pô vẫn là “một điều đáng hổ thẹn”.

Một lần nữa, cơ chế hoạt động và quyền lực thực thụ của HĐBA LHQ lại bị đặt trước một dấu hỏi lớn, khi loài người phải chứng kiến đồng loại của mình đối diện với thảm họa mà không thể làm gì, trong quá nhiều những liên hệ chồng chéo và phức tạp.

Thực ra, theo một điều khoản từ năm 1950, Đại hội đồng LHQ có thể đứng ra hành động, nếu HĐBA không đạt được sự nhất trí cần thiết. Vấn đề là, Đại hội đồng LHQ cũng không có đủ quyền lực cũng như chế tài để áp đặt ý chí một cách hữu hiệu, theo cách ấy. Cũng như, họ sẽ bị chi phối theo những quan điểm và lợi ích khác biệt.

Một khung cảnh đáng buồn. Và càng đáng buồn hơn khi những điều này, đúng như tiên liệu của các nhà quan sát quốc tế, đã xảy ra ngay sau khi IS bị đẩy lùi. Vẫn bị cuốn đi vô định trong bão tố, những phận người...

Theo Nhân Dân
Bình luận
Back To Top