Ứng xử đúng đắn với các di sản

09:55 - Thứ Năm, 15/12/2016 Lượt xem: 1844 In bài viết

Hiện tượng viết, vẽ bậy, làm bẩn di tích, xả rác,… bừa bãi hoặc có lối ăn mặc không phù hợp khi đến các di tích văn hóa, lịch sử tôn nghiêm đã bị dư luận phê phán từ rất lâu. Đã có nhiều giải thích về nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục, tuy nhiên cho đến nay, chuyện này vẫn tiếp diễn,…

Mới đây, hình ảnh nhiều bạn trẻ dùng bút xóa, vật nhọn viết tên, khắc chữ trên bia đá núi Bài Thơ (Hạ Long, Quảng Ninh) đã làm nóng lại câu chuyện xâm hại di tích qua các hành vi thiếu ý thức của một bộ phận người dân, khách tham quan, mà chủ yếu là người trẻ. Sau khi sự việc xảy ra, một nhóm khác cũng đã kêu gọi xóa chữ bẩn, gom rác nhằm khôi phục lại hiện trạng cho di tích này.

Tại tỉnh Ninh Thuận, việc vẽ bậy, rạch hoặc khắc lên bề mặt tháp PoKlong Giarai cũng đã làm ảnh hưởng tới công trình có kiến trúc độc đáo mang giá trị văn hóa, lịch sử hàng nghìn năm này. Tại nhiều di tích khác, như Tháp Bút, tháp Hòa Phong, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), chùa Cổ Lễ (Nam Định), chùa Bửu Phong (Đồng Nai) hay cả cột mốc trên đỉnh Phan-xi-păng (Lào Cai) cũng đầy chữ viết, hình vẽ lem luốc, thậm chí cả những hình thù "lạ", phản cảm. Đáng nói, nhiều đôi bạn trẻ còn thể hiện tình yêu lạ đời bằng cách khắc hình trái tim, viết lên di tích những dòng chữ như "Anh H yêu em T", "Mãi mãi yêu em", "Bên nhau trọn đời"...

Trên nhiều diễn đàn, vấn đề này cũng được chia sẻ khá nhiều và đa số ý kiến đều bày tỏ thái độ ngạc nhiên cũng như khó hiểu với hành vi kiểu này. Như thành viên Son Cuong chia sẻ: "Tôi nản nhất đi chùa Cổ Lễ… Có cái gác ba tầng thì chi chít chữ, ngay cả trong lòng cái chuông treo đỉnh tầng ba, mấy bạn trẻ cũng chui vào đó vẽ được". Nickname Tung Thanh Nguyen nhận xét: "Nhiều người còn khắc tên nhau vào mấy cây đào tiên ở chùa Bái Đính khiến quả bị héo. Mình cũng không hiểu tại sao các bạn ấy lại có hành động như vậy nữa"!

Cùng với việc viết, vẽ, khắc bậy lên di tích, là các hành vi khác như ăn mặc hở hang, không phù hợp khi đến các di tích có tính tôn nghiêm như đình, chùa; văng tục chửi bậy; sẵn sàng gây gổ đánh nhau; chen lấn, không xếp hàng; xả rác, phóng uế bừa bãi tại các điểm tham quan, du lịch… Ngay tại đô thị cổ Hội An, cố đô Huế, các điểm đến yêu thích của khách du lịch trong nước và ngoài nước như khu di tích Tràng An, chùa Bái Đính,… hằng ngày đang diễn ra hiện tượng không đẹp như vậy. Nghiêm trọng hơn, tại di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, còn xảy ra hiện tượng cưa trộm nhũ đá tại các hang Trinh Nữ, Cặp La và một số hang động mang về nhà làm hòn non bộ hoặc bán cho các cơ sở kinh doanh hòn non bộ, kiếm lời.

Theo thông tin trên một bài báo, nhũ đá được bán với giá khá cao, từ vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng nếu có óng ánh như kim tuyến, khiến một số người dân bất chấp hậu quả kiếm lời. Một hành vi khác cũng gây bức xúc, cho thấy ý thức kém của một số khách tham quan như tại Lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang), trang trại hoa hướng dương (Nghệ An), thung lũng hoa Hồ Tây, khách tham quan, chủ yếu là các bạn trẻ, đã vô tư ngắt hoa hoặc giẫm đạp lên hoa tạo dáng chụp ảnh khiến các cánh đồng hoa tơi tả, không còn giá trị thưởng lãm. Các hành vi này không chỉ gây mất mỹ quan, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị của các di tích, các cảnh đẹp, gây lãng phí tài sản văn hóa quý giá. Với di sản được kiến tạo tự nhiên, hành vi phá hoại của con người mang lại hậu quả vô cùng nặng nề, vì khả năng hồi phục nguyên trạng cho di sản là rất khó, hoặc không thể được.

Du lịch là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn, giúp quảng bá hiệu quả hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế, song nếu không sớm khắc phục các hiện tượng tiêu cực như trên thì hoàn toàn có thể mất dần sức hút. Theo Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), hiện có đến 40% số du khách quay lại Xin-ga-po, 45% số khách du lịch đến Thái-lan lần thứ hai. Còn với Việt Nam, có 90% khách đến Việt Nam lần đầu, và lượng khách quay lại chỉ chiếm khoảng 6%. Ngay cả với khách trong nước, có 39% đến thăm các điểm du lịch lần đầu, 24% đến lần thứ hai, chỉ có 13% đến lần thứ ba.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể đến nguyên nhân từ hành xử không phù hợp của một bộ phận người dân với các di sản văn hóa của đất nước mình. Theo thống kê, một trong những điều khiến khách du lịch quốc tế mất cảm tình với du lịch Việt Nam không chỉ ở vấn đề bản thân một vài di tích bị làm xấu, làm phai nhạt giá trị vốn có, mà phần nhiều còn do hành xử của một số người, như: Nói năng, hành xử thô lỗ, chen lấn, không chịu xếp hàng, xả rác bừa bãi, đeo bám du khách để bán hàng…

Nhu cầu trải nghiệm văn hóa là có thật, đáng lẽ nhiệm vụ của người tham gia là tạo đà, tạo sức hút cho các điểm đến của đất nước mình thì dường như một bộ phận công chúng đang làm ngược lại. Có thể nói một trong các nguyên nhân quan trọng là nhận thức chưa đầy đủ trong lựa chọn cách ứng xử của người tham gia qua đó thể hiện sự tôn trọng di sản, tôn trọng người khác, tự trọng với chính mình. Ngay trong giáo dục tại nhà trường, hiện mới chủ yếu dừng lại ở việc dạy văn hóa, cho nên nhiều bạn trẻ chưa nhận thức đầy đủ, không được chỉ bảo cặn kẽ về hành vi văn minh cần thiết.

Bên cạnh đó vấn đề xử phạt những hành vi xâm hại di tích còn bị buông lỏng, giảm nhẹ, chủ yếu là nhắc nhở nên không có tính răn đe. Trên thế giới, nhiều nước có chế tài xử phạt nghiêm khắc với các hành vi xâm hại di tích. Hẳn chúng ta chưa quên chuyện một người Thụy Sĩ bị tòa án Xin-ga-po phạt đánh ba roi và bỏ tù 5 tháng với cáo buộc vẽ bậy lên một toa tàu điện ngầm ở nước này. Luật pháp Xin-ga-po quy định hành động phá hoại công trình văn hóa và công cộng bị phạt từ ba đến tám roi, nộp phạt tới 2.000 đô-la Xin-ga-po (tương đương 1.437 USD) hoặc ngồi tù đến 3 năm.

Tại Thái-lan, du khách tới đây luôn phải tỏ thái độ kính trọng Quốc vương, tôn trọng các nhà sư trong chùa. Khi vào đền, chùa du khách phải cởi bỏ giày dép, đặt ngay ngắn ngoài cửa, rồi đi chân không vào. Đặc biệt, du khách phải mặc kín đáo, váy dài quá gối, với những khách nước ngoài không được dặn dò trước mà mặc quần ngắn phải mượn hoặc mua "xà rông" cạnh cửa chùa để quấn vào.

Tại Việt Nam, hình phạt nghiêm nhất mới chỉ dừng lại ở phạt hành chính. Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo là phạt tiền từ một triệu đồng đến ba triệu đồng với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Nhưng ngay cả khi đã có quy định cụ thể về mức xử phạt như vậy thì rất nhiều vụ việc cũng chỉ được xử lý qua loa, cho xong. Ngoài ra, còn có một số bất cập khách quan như: Khách tham quan không được nhắc nhở trước về trang phục nên ăn mặc không phù hợp, nhất là khách quốc tế; nhiều điểm tham quan có tính tâm linh không bố trí sẵn dịch vụ cho thuê trang phục phù hợp, gây lúng túng cho du khách.

Để có giải pháp hạn chế hành vi ứng xử thiếu ý thức đối với di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tự nhiên, chắc chắn vấn đề trước hết cần làm là nâng cao nhận thức của người dân với các hình thức phong phú khác nhau, từ giáo dục đến tuyên truyền. Một điển hình cần nhắc tới trong vấn đề này và nhân rộng là quan niệm, kinh nghiệm tổ chức du lịch của chính quyền, ban, ngành liên quan ở Hội An - một trong các di sản thế giới của Việt Nam. Giữa năm 2016, chính quyền Hội An phát hành tài liệu "Những điều cần biết về trật tự, kinh doanh, môi trường du lịch trong khu phố cổ" dưới dạng tờ gấp bỏ túi, bản in gửi đến từng hộ dân. Riêng "Những điều cần biết về trật tự, cảnh quan đường phố, ứng xử" liệt kê 7 điều nên làm, 6 điều không nên làm, 5 điều cấm.

Các "điều nên làm", "điều cấm" đều đề cập việc ăn mặc, sử dụng trang phục lịch sự. Ngoài ra, còn một dạng tờ rơi khác chủ yếu khuyến cáo về trang phục được gửi kèm theo vé tham quan. Song Hội An chưa dừng lại ở đó, mà đang soạn tiếp tài liệu về "Những điều nên và không nên trong phố cổ". Quy định này có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu dành cho du khách và người kinh doanh trong phố cổ, dự tính hoàn tất cuối năm nay. Tại Hội An, các điểm di tích tâm linh như tổ đình Phước Lâm, Chúc Thánh, Long Tuyền… còn có quy định riêng về trang phục dành cho khách đến thăm viếng. Thậm chí có nơi, du khách ăn mặc thiếu lịch sự đã bị từ chối vào tham quan.

Các biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết nhưng có tình, có lý này của chính quyền Hội An cùng các ban, ngành liên quan đang dần chứng tỏ tính hiệu quả khi đô thị cổ này đang là điểm đến hấp dẫn nhất ở Việt Nam hiện nay, với lượng du khách quốc tế rất lớn mỗi năm. Bên cạnh các quy định có tính tự giác cao như trên, cần luật hóa việc xử phạt vi phạm về xâm hại di tích lịch sử, văn hóa; cần có chế tài mạnh hơn, có tính răn đe hơn. Điều quan trọng là sai phạm cần phải xử phạt đúng, thật sự nghiêm minh. Cùng với đó là phát huy vai trò của cộng đồng trong việc phát hiện sai phạm, từ đó góp phần nâng cao tính tự giác và ý thức của người dân cùng chung tay bảo vệ các di sản.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top