Nhân tai và thiên tai

10:03 - Thứ Ba, 20/12/2016 Lượt xem: 2040 In bài viết
Tính cho đến thời điểm này, đợt mưa lũ kinh hoàng ở miền Trung đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và đẩy cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân vào cảnh khốn khó. Đó là chưa kể những thiệt hại vô cùng lớn về vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… mà phải mất nhiều năm nữa các tỉnh miền Trung mới khắc phục được. 

Thiên tai mà cụ thể là những cơn mưa lớn liên tiếp đổ ập xuống là nguyên nhân đầu tiên gây ra tình trạng này. Thế nhưng làm cho thiệt hại trầm trọng hơn, theo nhiều chuyên gia về môi trường, chính là những hành động thiếu ý thức của con người. Nhân tai đang là nguyên nhân thứ hai làm suy yếu khả năng thích ứng với tự nhiên của con người.

 
Theo GS-TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường thuộc Đại học Công nghiệp TPHCM, địa thế sông của hầu hết các tỉnh miền Trung đều có hình lòng chảo. Với địa thế này, sông sẽ bị bồi lắng rất nhanh và do vậy khả năng chứa nước của sông bị hạn chế nhanh chóng mỗi khi có mưa lớn kéo theo đất đá đổ về. Chỉ có một thứ làm giảm được việc này hữu hiệu nhất, đó là rừng. Đặc biệt rừng đầu nguồn các con sông. Rừng cây sẽ ngăn nước, cản bớt đất cát chảy về sông…

Thế nhưng, rất nhiều cánh rừng đầu nguồn đã bị tàn phá hoặc bị thay thế bởi những cánh rừng cao su. Gọi là rừng nhưng thực ra rừng cao su gần như không có khả năng ngăn nước và cản bớt đất đá bởi cao su trồng thành hàng với khoảng cách giữa các cây lên tới khoảng 5m. Sống chung được với cây cao su lại chỉ có cỏ với bộ rễ bám đất rất nông. Đã vậy một thời còn có tình trạng “nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện”. Hàng ngàn hécta rừng đã bị phá đi để dành đất cho thủy điện. Bất cứ chỗ nào có thể là người ta làm thủy điện mà không có sự tính toán, nghiên cứu khoa học một cách thấu đáo về tác động môi trường. Hậu quả, nước mưa không được rừng làm cản bước đã ồ ạt đổ xuống làng mạc của người dân. Rồi thủy điện xả lũ. Nước chồng nước… đã đẩy cuộc sống của người dân vào tình cảnh vô cùng nguy hiểm và khốn khó.

Con người là một phần rất nhỏ của mẹ tự nhiên. Do vậy, theo GS-TS Lê Huy Bá, cách khôn ngoan nhất là con người hãy tìm sự trợ giúp của mẹ tự nhiên để chống lại sức mạnh của thiên tai. Khôi phục lại rừng tự nhiên ở đầu nguồn các sông Vu Gia, Thu Bồn, sông Ba… và trên các cao nguyên là việc nên làm ngay. “Vẫn biết, việc này không dễ làm, nhất là khi đứng đằng sau nhiều quyết định là các nhóm lợi ích. Thay rừng tự nhiên bằng rừng cao su, họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền cho dù nhiều người trong số họ biết rừng cao su hầu như không có khả năng giữ nước và chống sạt lở. Đây cũng là một dạng nhân tai mà chúng ta phải đấu tranh quyết liệt để loại trừ” - chuyên gia về tài chính của một trường đại học lớn ở TPHCM đã từng nhận xét như vậy. Rừng tự nhiên dù là rừng nghèo vẫn có khả năng này hơn rừng cao su, chưa kể nếu không bị tàn phá, rừng tự nhiên sẽ hồi phục rất nhanh. Nếu không khôi phục rừng tự nhiên, cái giá phải trả chắc chắn sẽ không dừng lại ở những mất mát do cơn mưa lũ dữ dội của năm nay gây ra mà còn của nhiều năm nữa.

Song song với việc khôi phục rừng tự nhiên là việc điều chỉnh lại hoạt động của các nhà máy thủy điện. Nên cân đối giữa lợi ích mà từng đập thủy điện đem lại với những rủi ro về môi trường mà nó có thể gây ra để có quyết định cho tồn tại, phát triển hay buộc phải ngưng hoạt động. Việt Nam rất cần điện cho sinh hoạt và sản xuất nhưng ngoài thủy điện chúng ta còn rất nhiều tiềm năng để tạo ra nguồn điện từ các tài nguyên khác thân thiện với môi trường hơn như gió, nắng, thủy triều… Chỉ cần Nhà nước tạo cơ chế hấp dẫn là có nhà đầu tư đầu tư những ngành nghề đặc biệt này. GS-TS Lê Huy Bá cho biết, có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư làm điện gió và mặt trời ở Ninh Thuận nhưng giá cho thuê đất ở đấy quá cao nên họ còn ngại…

Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một dữ dội và với vị trí là một quốc gia nằm ven biển, Việt Nam đã được nhiều nhà khoa học đánh giá sẽ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự thay đổi này. Thế giới đang nỗ lực làm hạn chế quá trình biến đổi khí hậu. Và trong khi thế giới làm điều đó, Việt Nam phải chủ động… tự cứu lấy mình. Sống thân thiện hơn với tự nhiên, đầu tư phát triển kinh tế một cách khoa học là giải pháp căn cơ trong bối cảnh này. Thiên tai đã rất đáng sợ nên chúng ta đừng để nhân tai “đổ thêm dầu vào lửa”. 
Theo SGGP
Bình luận
Back To Top