Hình thành kỷ cương, nền nếp đón tết lành mạnh

15:01 - Thứ Hai, 26/12/2016 Lượt xem: 2341 In bài viết
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Theo đó, nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng... để ăn uống, tiệc tùng, biếu xén, đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng; chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, chè chén xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội.

Ban Bí thư cũng vừa ra Chỉ thị 11-CT/TƯ về việc tổ chức Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017, nêu rõ chủ trương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc tết địa phương; các địa phương không chúc tết Trung ương; nghiêm cấm việc tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm việc sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp tết, lễ hội… 

Quy định 55-QĐ/TW và Chỉ thị 11-CT/TƯ được dư luận rất chú ý và đồng tình. Đây không chỉ là chủ trương cho việc tổ chức tết lành mạnh, tiết kiệm, mà còn xác lập kỷ cương để ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc chúc tết cấp trên; là sự thể hiện quyết tâm hành động, nói đi đôi với làm, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính. Đồng thời góp phần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Từ nhiều năm nay, việc tổ chức ăn tết rình rang, gây tốn kém nhiều tiền của, công sức và thời gian của từng gia đình và xã hội. Cả hệ thống chính trị tất bật, không chỉ vì việc lo toan cho nhân dân đón tết, mà nhiều cơ quan, đơn vị còn tất bật vì việc tổ chức hàng loạt cuộc giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng... để ăn uống, tiệc tùng, biếu xén. Thế nên, để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), chủ trương tổ chức tết lành mạnh, tiết kiệm, không chúc tết và không tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức chính là khâu đột phá đúng hướng, đúng thời điểm và thực sự hợp lòng dân. Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị: “Tôi yêu cầu không chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng!”.

Có thể ghi nhận Quy định 55-QĐ/TW và Chỉ thị 11-CT/TƯ là quyết sách đúng đắn, đưa ra một cách tư duy mới để hình thành trong cả hệ thống chính trị nền nếp đón tết thực sự lành mạnh. Cấp trên không trông chờ cấp dưới chúc tết, quà cáp; không “méo mó” đánh giá cán bộ qua việc thực hiện “nghĩa vụ” biếu xén. Cấp dưới không phải áy náy, xoay xở lo việc chúc tết, biếu xén cấp trên. Những kẻ muốn lợi dụng việc chúc tết, quà cáp để hối lộ, tạo mối quan hệ chạy chức, chạy quyền, chạy giấy phép, chạy dự án... sẽ không dễ có thời cơ nữa. Những hành vi đưa tặng quà với động cơ vụ lợi sẽ bị quần chúng phát hiện, tố giác và không khó để xử lý.

Song, về lâu dài còn cần thêm việc Chính phủ cụ thể hóa chủ trương này trong chỉ đạo điều hành bộ máy quản lý nhà nước, có phản ứng chính sách kịp thời trong việc lập kỷ luật kỷ cương. Yêu cầu rất quan trọng, có tính căn cơ là bỏ cơ chế xin - cho, nâng cao ý thức cán bộ, công chức, viên chức trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp; có quy định công khai minh bạch các khoản chi tiêu ở cơ quan, đơn vị để ngăn chặn nạn biếu xén hối lộ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát. Việc các cơ quan kiểm tra Đảng và thanh tra các cấp lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của cán bộ và người dân về các tập thể và cá nhân có hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quà cáp hối lộ... vi phạm Quy định 55-QĐ/TW và Chỉ thị 11-CT/TƯ, để xử lý nghiêm minh, sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và lâu dài, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top