“Chìa khóa vàng” cho nông nghiệp Việt Nam

09:43 - Thứ Năm, 05/01/2017 Lượt xem: 2435 In bài viết
Israel có diện tích chỉ trên 20.000km², tức là chỉ lớn hơn tỉnh Nghệ An của Việt Nam chút ít... nhưng mỗi năm xuất khẩu 3,5 tỷ USD nông sản. Mặc dù phải tiết kiệm từng giọt nước nhưng nền nông nghiệp của quốc gia này lại xếp vào tốp tiên tiến thế giới, lập nên kỳ tích nuôi cá, trồng rau trái ngay trên sa mạc khô cằn… Đây là câu chuyện khiến những người quan tâm đến ngành nông nghiệp Việt Nam không khỏi trăn trở, suy nghĩ. Cũng thật không ngờ đất nước Hà Lan nhỏ bé ở Tây Âu - là xứ sở của công nghiệp hóa, lại là quốc gia đứng đầu về công nghệ nuôi heo và tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản vào năm 2013 đã đạt 107 tỷ USD (gấp 3 lần Việt Nam).

 

Mùa gặt trên cánh đồng Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa 
Từ câu chuyện của đất nước Israel lại nghĩ tới nhắc nhở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết những thành tựu của ngành nông nghiệp năm 2016 do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa nhưng chúng ta đang để lãng phí. Theo Thủ tướng, diện tích phù sa màu mỡ (đồng bằng) của chúng ta không có nhiều nhưng diện tích biển và rừng còn lớn, cần phải tập trung đầu tư khai thác lợi thế sẵn có. Và nếu không có một cuộc cách mạng về khoa học công nghệ trong nông nghiệp thì chắc chắn nông nghiệp của nước ta vẫn cứ nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu như hiện nay. Đành rằng còn rất nhiều giải pháp đồng bộ khác để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp như chính sách đất đai (bỏ hạn điền), đầu tư tín dụng, thị trường hội nhập, cơ cấu lao động… nhưng khoa học công nghệ được coi là “chìa khóa vàng” để nông nghiệp Việt Nam lột xác.

Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao là tín hiệu sáng để đưa nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi tình trạng bế tắc và nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh thực tại cũng không khỏi cám cảnh, buồn khi chủ trương về xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã được vạch ra từ lâu nhưng đến hiện tại vẫn đang ì ạch. Một số dự án đầu tư bằng tiền ngân sách bị treo, không có hiệu quả, vướng víu “bài ca muôn thuở” là mặt bằng và tiền vốn. Rất may trong khoảng 3 năm gần đây, khi triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo mục tiêu mới, đã có khá nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn nhảy vào nông nghiệp. Tại hội nghị mới đây nhất về đóng góp ý kiến của các nhà khoa học cho đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới do Bộ NN-PTNT tổ chức ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh được mời tham dự đã nhấn mạnh rằng, chính các doanh nghiệp và tập đoàn mạnh sẽ mang khoa học công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật mới vào nông nghiệp, thực sự thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao trở thành hiện thực và có hiệu quả. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đánh giá cao vai trò của khoa học công nghệ cũng như đội ngũ các nhà khoa học trong việc hình thành một cuộc bứt phá cho nông nghiệp và việc tổ chức hội nghị lần này là thể hiện sự bức thiết của nhiệm vụ đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ cho nông nghiệp Việt Nam.

Trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp vừa rồi cũng nhắc nhở phải chuyển hướng mạnh sang chế biến và xây dựng thương hiệu cho nông sản, muốn chế biến sâu và có thương hiệu thì phải ứng dụng khoa học công nghệ. Lâu nay, chúng ta vẫn đang rót tiền cho nông nghiệp theo kiểu “vẽ dự án” mà chưa tính nên đầu tư vào đâu để có trọng tâm, trọng điểm, trong khi khoa học công nghệ là “chìa khóa” để tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành một cuộc bứt phá thì lại đầu tư nhỏ giọt. Theo số liệu của Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT), trong giai đoạn 2006-2014, chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp - thủy sản chỉ được đầu tư hơn 550 tỷ đồng để thực hiện 214 nhiệm vụ khoa học công nghệ (chủ yếu vẫn chỉ nhắm vào cây lúa). Trong khi chúng ta tự hào là nước nông nghiệp (10 mặt hàng nông sản xuất khẩu trên 1 tỷ USD) nhưng hàng năm lại chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các loại giống cây trồng - vật nuôi và các vật tư nông nghiệp. Suất đầu tư cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp đã ít ỏi nhưng lại đầu tư dàn trải, tham nhiều dự án mà chưa tập trung nguồn lực vào những sản phẩm chủ lực, dẫn đến nhiều công trình nghiên cứu xong lại “cất vào ngăn tủ”.

Câu trả lời bây giờ là phải đầu tư mạnh tay và dài hơi hơn cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp, hậu phương vững chắc của nền kinh tế - an sinh xã hội, bằng những chính sách đúng đắn, cân đối ngân sách, giảm đầu tư các hạng mục mà thực tiễn chưa cấp thiết, tạo cơ hội để các nhà khoa học thực sự phát huy tài năng, sáng tạo của mình; tăng cường hội nhập để chuyển giao và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Nhiều nhà khoa học cho rằng, cách hiệu quả nhất là mở chính sách về vốn tín dụng hoặc hỗ trợ để doanh nghiệp nhảy vào nông nghiệp, chủ động đầu tư trí tuệ, dây chuyền công nghệ, đặt hàng, liên kết với các nhà khoa học… qua đó có thể quản lý chặt chẽ, hiệu quả đồng tiền đầu tư của mình, nhờ vậy mới thực sự đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành hiện thực, tăng tính cạnh tranh khi hội nhập, thắng các rào cản kỹ thuật.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top