Quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng

14:37 - Thứ Hai, 09/01/2017 Lượt xem: 3230 In bài viết
Đúng vào ngày đầu tiên của năm mới 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Nghị quyết dài 39 trang, nêu rất cụ thể về trách nhiệm, những việc cần triển khai của từng bộ, ngành, địa phương để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội và ngân sách đã đề ra cho năm 2017.

Theo đó, Chính phủ giao cho các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trước ngày 10-1-2017 phải ban hành chương trình, kế hoạch hành động; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ. Và cũng ngay trong tuần đầu tiên của năm mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các phó thủ tướng đã liên tục trực tiếp tham dự và chỉ đạo hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của nhiều ngành quan trọng như NN-PTNT, KH-CN, ngân hàng, công thương, tài chính…

Năm 2017, Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,7% - là mức tăng khá cao nếu so với mức tăng trưởng 6,21% đã đạt được trong năm 2016. Mặt khác, bên cạnh những yếu tố thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, thách thức tác động tới kinh tế nước ta trong năm 2017. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, chiều hướng bảo hộ tăng lên cũng ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế Việt Nam. Ở trong nước, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường… Chính vì thế, động thái điều hành quyết liệt của Chính phủ ngay từ đầu năm là rất cần thiết để tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ cho tinh thần “kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh.

Tinh thần “phục vụ doanh nghiệp” cũng sẽ được nhấn mạnh thông qua Nghị quyết số 19 năm 2017, mà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải được ban hành ngay trong tháng 1. Đây sẽ là lần thứ 4 liên tiếp, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết lần này đưa ra 250 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu tạo ra sức bật mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển, quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế trong năm 2017.

Quyết tâm và những giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều chuyên gia kinh tế. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, có 2 điểm rất hay cho thấy Chính phủ đang định hướng đúng. Đó là đã quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quyết định đề án tái cơ cấu và đổi mới nguồn lực. Nếu thực hiện tốt những điều này, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ.

Theo TS Trần Đình Thiên, dự báo tình hình năm 2017 sẽ còn khó khăn hơn năm 2016 nên sẽ cần một logic phát triển mới: đó là không phải tăng trưởng bằng mọi cách. “Không phải cứ thấy nông nghiệp gặp khó do hạn, mặn thì bơm nước vào là xong. Không phải cứ tư duy phát triển đồng bằng trong khi những vùng đất ấy đã thay đổi, lợi thế cũ đã không còn. Logic phát triển mới có nghĩa là phải trông cậy vào lực lượng doanh nghiệp tư nhân”, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh và cho rằng, vấn đề tăng trưởng phải được nhìn nhận dài hạn hơn, không thể đòi hỏi một kết quả ngay tức thì mà phải kiên trì hướng đến sự bền vững. Để làm được điều này, Chính phủ vẫn phải kiên trì với những mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô tốt hơn, quyết liệt với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cũng như quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh.

Để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2017 đã đề ra, nhất là tăng trưởng 6,7%, TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhấn mạnh đến nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2, trong đó tập trung tái cơ cấu về nợ công, doanh nghiệp nhà nước cũng như hệ thống ngân hàng thương mại để phân bố nguồn lực một cách hiệu quả hơn. Khi xử lý được những vấn đề cốt lõi như nợ công, nợ xấu, cùng với đó tạo ra môi trường khởi nghiệp, những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát huy được lợi thế thì khả năng đạt được mức tăng trưởng 6,7% là khả thi.

Trong khi đó, với góc nhìn từ một định chế tài chính quốc tế, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, khuyến nghị: Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề tăng trưởng năng suất thấp, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tăng cường khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trọng tâm của nhiệm vụ này là đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách sâu rộng hơn.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top