Hiến máu là tự nguyện

09:36 - Thứ Ba, 10/01/2017 Lượt xem: 3334 In bài viết
Hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần (trừ một số trường hợp) hay là việc tự nguyện...? Đây là vấn đề được dư luận xã hội đang rất quan tâm trước đề xuất mới đây của Bộ Y tế trong tờ trình dự án Luật về máu và tế bào gốc được gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định. Đề xuất này được đưa ra trên cơ sở lượng máu phục vụ cho công tác cấp cứu, điều trị người bệnh ở nước ta vẫn còn rất thiếu.

Theo tính toán và khuyến cáo Tổ chức Y tế thế giới, để bảo đảm đủ lượng máu có chất lượng phục vụ người bệnh, mỗi quốc gia cần phải có có ít nhất 2% dân số hiến máu hàng năm. Như vậy mỗi năm, Việt Nam với khoảng 90 triệu dân sẽ cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu. Trong khi đó, thống kê mới nhất của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trong năm 2016, cả nước tiếp nhận được hơn 1,2 triệu đơn vị máu, đạt tỷ lệ 1,52% dân số hiến máu, nên máu phục vụ điều trị cho người bệnh còn thiếu.

Bên cạnh đó, dù máu cho điều trị thiếu nhưng sử dụng còn khá lãng phí vì hầu hết cơ sở y tế vẫn đang thực hiện việc truyền máu toàn phần do chưa đủ điều kiện để sản xuất các chế phẩm máu. Đồng thời, an toàn truyền máu cũng là vấn đề đáng quan ngại do chúng ta đang sử dụng các kỹ thuật sàng lọc bằng huyết thanh chưa đảm bảo an toàn.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng thiếu máu phục vụ điều trị và bảo đảm đảm an toàn truyền máu, tại dự án Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế đề xuất quy định nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu với 2 giải pháp: Quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện mỗi năm một lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu. Với giải pháp bắt buộc này, Bộ Y tế tính toán với dân số hiện nay là khoảng 90 triệu người, trong một năm nước ta sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30,3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14,2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu). Còn đối với đề xuất việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu thì sẽ phải mất khoảng 5 năm nữa chúng ta mới đạt được mức 2% dân số hiến máu.

Máu và các chế phẩm từ máu là loại thuốc đặc biệt, chỉ được lấy từ người có đủ sức khỏe. Hiện nay, máu người vẫn là nguồn nguyên liệu chính để cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, để giải quyết tình trạng thiếu máu và bảo đảm an toàn truyền máu, chính phủ các nước đã đề xuất việc ban hành luật hiến máu hoặc các luật khác có liên quan đến vấn đề hiến máu tình nguyện không lấy tiền. Sau khi luật hiến máu được ban hành, tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị đã cơ bản được giải quyết. Hơn nữa, những quốc gia đã ban hành luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân. Bên cạnh đó, nếu quy định hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết (khoảng gần 28 triệu đơn máu mỗi năm), đồng thời cũng làm tăng chi phí của xã hội.

Thực tế không thể phủ nhận, việc quy định hiến máu là tự nguyện sẽ phù hợp với thực tiễn và pháp luật quốc tế hơn, cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội. Hơn nữa, cũng phải thấy rằng, dù lâu nay nguồn máu để cấp cứu, điều trị cho người bệnh ở nước ta được lấy từ những người hiến máu tình nguyện và từ người bán máu chuyên nghiệp nhưng hiện có tới 90% lượng máu thu được là từ hiến máu tình nguyện. Do đó, nếu pháp luật quy định hiến máu là bắt buộc sẽ làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp, cao cả của rất nhiều người đã tình nguyện chia sẻ giọt máu đào quý giá của mình cho những người bệnh. Bên cạnh đó, nếu quy định hiến máu bắt buộc sẽ có nguy cơ vi hiến bởi Hiến pháp đã quy định rất rõ ràng về quyền con người, quyền công dân: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể... Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật”.

Hiến máu là nghĩa cử rất cao đẹp, là sự sẻ chia một phần sức khỏe của người khỏe mạnh cho những người không may mắn ốm đau, bệnh tật. Để bảo đảm đủ lượng máu có chất lượng phục vụ người bệnh cần phải đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền và vận động hiến máu tình nguyện bằng nhiều hình thức nhằm khơi dậy, khích lệ tinh thần tương thân tương ái vì cộng đồng, làm cho mọi người thấy rõ hơn ý nghĩa và trách nhiệm của toàn xã hội trong chăm lo sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó cũng cần có những chế độ đãi ngộ thỏa đáng và tôn vinh xứng đáng người hiến máu tình nguyện để nhân rộng hơn những nghĩa cử cao đẹp, chứ không nên có những quy định cứng nhắc. Được biết, trước những ý kiến phản ứng từ phía dư luận, trong thông báo ngày 9-1, Bộ Y tế đã quyết định không chọn phương án quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân mà ủng hộ quy định hiến máu là tự nguyện.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top