Cả nước chung tay vì người nghèo

Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2016-2020: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

15:40 - Thứ Sáu, 13/01/2017 Lượt xem: 4111 In bài viết
Khoảng cách thu nhập giữa người giàu và nghèo ở Việt Nam đang khá lớn. Bởi thế, cả nước chung tay vì người nghèo – “Không để ai bị bỏ lại phía sau” – mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 rất có ý nghĩa…

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến chính sách xóa đói giảm nghèo. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, trong 5 năm qua, chúng ta đã tạo ra thành quả rất to lớn trên lĩnh vực giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015 (theo chuẩn nghèo 2011-2015). 

 

Quyên góp ủng hộ người nghèo là truyền thống tốt đẹp.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề xóa đói giảm nghèo cần phải giải quyết. Nếu tiếp cận theo tiêu chí nghèo đa chiều thì tỉ lệ hộ nghèo còn 9,88%, cận nghèo còn 5,22%, 64 huyện nghèo còn số hộ nghèo trên 50%, có những huyện hộ nghèo chiếm tỉ lệ trên 70%. Như vậy hộ nghèo đa chiều chiếm khoảng gần 10% số hộ dân toàn quốc. Đó là một thách thức rất lớn cho xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Chương trình giảm nghèo bền vững đặt mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước cho giai đoạn này bình quân 1%-1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015.

Trong giai đoạn này, tình trạng gia tăng bất bình đẳng tại Việt Nam đang đe dọa thành tựu phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ qua. Sự gia tăng bất bình đẳng nếu nhìn theo nhiều chiều sẽ tác động lớn đến công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Cụ thể, bất bình đẳng về kinh tế; bất bình đẳng về tiếng nói, về cơ hội; bất bình đẳng về vùng, miền; bất bình đẳng về giáo dục, y tế; bất bình đẳng về giới… đều có tác động làm tăng thêm khoảng cách giàu-nghèo.

Đó cũng là cách nhìn theo hướng tiếp cận nghèo đa chiều mà nước ta sẽ áp dụng trong giai đoạn này. Nhiều giải pháp đã đưa ra yêu cầu cao hơn về nâng cao dân trí, đời sống nhân dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, miền núi. Trong bộ tiêu chuẩn đã xây dựng các tiêu chí để người nghèo tiếp cận được với những dịch vụ cơ bản mà người nghèo còn thiếu hụt như: y tế, văn hóa, giáo dục, nước sạch, thông tin… 

Bất bình đẳng kinh tế đi kèm với bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội khiến lợi ích của nhóm nghèo nhất khó được đưa vào chính sách hơn là nhóm những người giàu. Do không được tiếp cận với các dịch vụ công như y tế và giáo dục có chất lượng cao do thu nhập thấp và một số lý do khách quan... sẽ kìm hãm sự tiến bộ của nhóm hộ nghèo.

Vì nghèo nên nhiều hộ không thể đảm bảo việc học hành cho tất cả các con. Trong nhiều trường hợp, 1 hay 2 trẻ trong gia đình, thường là trẻ em gái, phải “hy sinh” con đường học hành của mình; Người nghèo có xu hướng sử dụng các dịch vụ y tế ít hơn người khá giả, trong khi các nhóm thu nhập cao hơn có thể sử dụng nhiều loại dịch vụ nội và ngoại trú và cũng có nhiều cơ hội khám và điều trị hơn; Các nhóm thu nhập thấp hơn thường hay sử dụng các dịch vụ y tế công mà nơi cung cấp chủ yếu là từ trung tâm y tế xã/phường có chất lượng chưa cao…

Ngoài ra, theo một số nghiên cứu cũng cho thấy, các nhóm thiệt thòi ở Việt Nam thiếu hiểu biết về quyền của mình, thiếu khả năng tiếp cận thông tin, thiếu năng lực tham gia bầu cử và các quá trình ra quyết định khác. Người dân thiếu thông tin và kỹ năng để hiểu các vấn đề về thuế và ngân sách, họ không cảm thấy mình có quyền tham gia các quá trình này. Phụ nữ thường không có tiếng nói trong huy động, phân bổ và chi ngân sách Nhà nước. Người lao động nhập cư không được tham gia các quá trình lập kế hoạch ở địa bàn sinh sống và làm việc, khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận các dịch vụ căn bản và bảo trợ xã hội...

Để có thể thu hẹp khoảng cách với góc độ đa chiều như trên, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách tích cực hướng tới người dân như các chính sách an sinh xã hội, y tế, cải cách hành chính, chính sách thuế, hỗ trợ nhà xã hội, giám sát của MTTQVN... để giảm sự bất bình đẳng theo các chiều.

Trước mắt, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với 80% ngân sách trong tổng kinh phí hơn 41 nghìn tỷ đồng dành cho vùng “lõi” nghèo với mục tiêu kiên quyết “Không để ai bị bỏ lại phía sau” đang được triển khai, hứa hẹn những hiệu quả tích cực về phong trào xóa đói giảm nghèo như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định rõ: “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn và có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số; Chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững”...

Theo HNM
Bình luận
Back To Top