Trọng trách và cơ hội của ngành du lịch

14:23 - Thứ Năm, 19/01/2017 Lượt xem: 3193 In bài viết
Nghị quyết số 08-NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Điều này không chỉ đem đến cho du lịch nguồn sinh lực mới nhờ có nguồn sức mạnh tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng mà còn đặt ra nhiều trọng trách nặng nề đối với ngành công nghiệp không khói.

Thời gian qua, ngành du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Năm 2016, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ngày càng phát triển. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng, kéo theo lực lượng doanh nghiệp du lịch phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế… Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời ngành đã tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Song, ngành du lịch vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém như môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập; công tác xúc tiến quảng bá du lịch thiếu sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao; nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu; doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế...

Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết của Bộ Chính trị khẳng định 5 quan điểm cần thống nhất và quán triệt tới tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó nhấn mạnh: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu hút 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Để giải quyết căn cơ các vướng mắc, khó khăn của ngành du lịch, nghị quyết tập trung vào 8 nhóm giải pháp cốt lõi: đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; hoàn thiện thể chế, chính sách; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Với việc một lần nữa xác định rõ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội kỳ vọng rằng ngành du lịch sẽ nhanh chóng khắc phục hạn chế để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội, vươn mình trở thành mũi nhọn của nền kinh tế đất nước trong tương lai gần.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top